Đầu tư
Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân: Điểm cộng cho sức hút Bình Thuận
Tuấn Ngọc - 17/04/2015 09:01
Ngày 16/4, Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân chính thức được khởi công xây dựng. Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm giúp Bình Thuận tiến thêm một bước dài nhằm nâng cao sức cạnh tranh cấp tỉnh trong thu hút đầu tư.

Tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030. Theo đó, khu vực Cảng Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có chức năng làm cảng tổng hợp. Tiếp sau đó, Cảng Vĩnh Tân được Bộ Giao thông - Vận tải cập nhật vào Quy hoạch Chi tiết nhóm cảng biển số 4 (nhóm cảng biển Nam Trung Bộ). Đây là cơ sở cho chủ đầu tư triển khai lập dự án xây dựng công trình cảng biển trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 2.292 tỷ đồng.

 

Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141 ha diện tích mặt nước, trong đó khoảng 51 ha diện tích mặt nước dùng để san lấp phục vụ xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng và dịch vụ cảng và khoảng 90 ha diện tích mặt nước được sử dụng để làm diện tích khu mặt nước của cảng (gồm công trình thủy công, khu mặt nước trước bến, khu quay trở tàu, luồng tàu…).

Ở giai đoạn I, Dự án sẽ xây dựng 2 bến tổng hợp cho tàu có trọng tải đến 30.000 DWT, 1 bến cho tàu có trọng tải đến 3.000 DWT. Bến cảng tổng hợp  Vĩnh Tân đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong giai đoạn II, Dự án sẽ được đầu tư căn cứ theo lưu lượng phát triển hàng hóa đến cảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu vào cảng, góp phần gia tăng lượng hàng hóa luân chuyển nhanh chóng. Cũng theo báo cáo khảo sát địa hình, khí tượng thủy hải văn khu vực Cảng Vĩnh Tân khá thuận lợi cho công tác xây dựng. Cụ thể, phía Tây Nam đã được che bảo vệ bởi tuyến đê chắn sóng từ khu cảng của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trong khi đó, theo quan trắc, khu vực Vĩnh Tân thường chỉ có bão nhỏ, ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão, mức chênh lệch thủy triều không lớn, địa chất có nền đất tốt, thuận lợi cho các phương án kết cấu bến.

Công ty cổ phần Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân (đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương) đã được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định lựa chọn làm chủ đầu tư.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhận định, Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân đóng vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Nam Trung Bộ. “Ngoài việc góp phần cùng với các cảng khác trong khu vực và cả nước đáp ứng nhu cầu sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, Dự án còn có ý nghĩa thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận trong thời gian tới. Bình Thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai xây dựng Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân đúng tiến độ và đưa vào khai thác sớm”, ông Phương cam kết. 

Theo thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận, công tác chuẩn bị khởi công và xây dựng Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân được quan tâm triển khai rốt ráo. Cụ thể, sau khi cảng này được cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch Chi tiết nhóm cảng biển số 4 vào tháng 12/2014, Bình Thuận đã thỏa thuận quy mô, vị trí xây dựng Dự án Bến cảng tổng hợp này với Cục Hàng hải Việt Nam. Sau đó, các sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận đã tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở, giải pháp phòng cháy, chữa cháy của Dự án và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, đại diện chủ đầu tư Dự án Cảng Vĩnh Tân cho biết, chủ đầu tư đã và đang nhanh chóng xúc tiến công việc, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Để dự án triển khai thuận lợi, đại diện chủ đầu tư cũng đang kiến nghị UBND tỉnh cho doanh nghiệp được tập trung khai thác các hạng mục của cảng như khu nước, bến cập tàu… hưởng tối đa cơ chế ưu đãi theo các quy định của Nhà nước và của địa phương. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng bố trí các đơn vị hoa tiêu, cảng vụ đảm bảo an toàn hàng hải khi cảng đi vào hoạt động.

Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ nút thắt lớn nhất là hạ tầng giao thông nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết... đang được khởi động. Việc khởi công Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đa phương thức: đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển tạo ra sức hút lớn đối với các nhà đầu tư.

Vừa qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Thuận đã có sự bứt phá. Bình Thuận từ thứ hạng 47 vươn lên thứ hạng 22, tăng 25 bậc. Đây cũng là một trong những nỗ lực lớn của tỉnh Bình Thuận để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất - kinh doanh tại địa phương.

Tin liên quan
Tin khác