Cuối tháng 8/2013, Bộ Y tế đã chính thức khởi động Dự án Bệnh viện vệ tinh (BVVT). Đây là dự án ngành y tế được xây dựng trên cơ sở Đề án Giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, Dự án BVVT có mục tiêu gắn kết bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, nhằm giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện.
| ||
Dự án Bệnh viện vệ tinh được triển khai sẽ giúp chống quá tải tại các bệnh viện hiện nay |
Dự án BVVT được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013 - 2015): Bộ Y tế sẽ đầu tư cho 48 bệnh viện tuyến tỉnh (là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân). Giai đoạn 2 (2016 - 2020), Bộ Y tế sẽ căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện và điều kiện kinh tế để có kế hoạch điều chỉnh cụ thể.
Tổng ngân sách dự kiến cho Dự án là 1.707,75 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương là 712,23 tỷ đồng, vốn đối ứng của các bệnh viện là 995,52 tỷ đồng.
Việc triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh sẽ tạo chuỗi gắn kết giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới. Theo đó, một trong những giải pháp là tăng cường công tác chỉ đạo tuyến (phân phối bệnh nhân hợp lý giữa các tuyến). Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, bệnh viện tuyến trên phải chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới cả về mặt chuyên môn lẫn việc hướng dẫn sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư.
Theo kế hoạch triển khai Dự án BVVT, 14 bệnh viện được lựa chọn làm bệnh viện hạt nhân, trong đó 8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Ngoài các bệnh viện trực thuộc Trung ương, 6 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM cũng được chọn là bệnh viện hạt nhân gồm Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Ung bướu, các bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2. Tổng kinh phí dành cho khối các bệnh viện hạt nhân thuộc Sở Y tế TP.HCM là gần 275 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chỉ cấp 32,63 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng phải đảm bảo là hơn 242,36 tỷ đồng.
Mặc dù kế hoạch là vậy, nhưng cho đến thời điểm này, khi mà chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm đầu tiên của giai đoạn 1, nhưng công việc vẫn còn rất bộn bề.
Chưa nói đến những phức tạp, khó khăn đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc chuyển giao và làm chủ công nghệ được chuyển giao, chỉ riêng việc chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để trở thành BVVT đã là công việc rất phức tạp và mất thời gian.
Dù phức tạp và mất thời gian, nhưng các bệnh viện nhất định phải hoàn thành công việc này, bởi theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các bệnh viện tuyến trên khi đã chuyển giao gói kỹ thuật nào cho tuyến dưới thì sẽ không được nhận bệnh nhân thuộc những gói đó do tuyến dưới chuyển lên nữa. “Ngược lại, khi đã nhận chuyển giao gói kỹ thuật nào, thì bắt buộc bệnh viện tuyến dưới phải giải quyết được những ca bệnh thuộc gói đó. Bộ Y tế sẽ thanh tra, kiểm tra chặt chẽ vấn đề này”, bà Tiến nói.
Cùng với đó, chuẩn bị nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là việc khó trong bối cảnh hiện nay và rất phức tạp về thủ tục.
Để có thể có được vốn đối ứng, việc đầu tiên là bệnh viện phải lập đề án, sau đó, từ nghị quyết phê chuẩn của HĐND tỉnh, để tiếp tục sẽ là hàng loạt thủ tục hành chính, vốn đối ứng mới được ghi vào dự toán chi của năm. Sau khi có chủ trương, công việc triển khai xây dựng hạ tầng và mua sắm máy móc mới được triển khai. Có thể nói, ngay cả trong trường hợp tối ưu là ngân sách các địa phương đáp ứng được, thì trong thời gian 4 tháng, “núi” công việc đó khó có thể hoàn thành.
Có lẽ, do mức độ quá tải và sự cấp bách của việc thực hiện, nên Bộ Y tế đã không chốt được lộ trình cụ thể để chấm dứt hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên và cũng vì thế, trong ngắn hạn, người bệnh vẫn chưa thể mong vào sự kỳ diệu “một mình một giường”.
Chí Tín