Trạm thu phí Dự án BOT đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn. |
Hụt sâu doanh thu
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa phải phát Công văn số 10373/BGTVT - ĐTCT tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp đảm bảo phương án tài chính cho Dự án BOT đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32, đoạn Cổ Tiết - cầu Trung Hà (Dự án BOT), do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Hùng Thắng và Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư.
Tại Công văn số 10373, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ (doanh nghiệp dự án) thống nhất các giải pháp đầu tư giai đoạn I tuyến đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi Đường tỉnh 316, kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà nhằm hạn chế các phương tiện cố tình tránh trạm thu phí, gây sụt giảm doanh thu, nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt các phương tiện có tải trọng lớn.
Dự án đã được đưa vào khai thác từ tháng 1/2017, bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 3/2017; dự kiến hoàn thành thu phí sau 21 năm 1 tháng.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ sớm triển khai giải pháp khắc phục tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường địa phương (ĐT.316, ĐT.316B, ĐT.316G, ĐT.317G và một số tuyến đường địa phương khác) nhằm tránh trạm thu phí, gây mất an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực.
Đây đã là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, Bộ GTVT phải “lụy” chính quyền địa phương để xử lý các đơn kêu cứu mà liên danh Công ty cổ phần đầu tư Hùng Thắng và Công ty cổ phần Tasco liên tiếp gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước liên quan đến việc tỉnh Phú Thọ liên tục thay đổi các quy hoạch giao thông làm ảnh hưởng tới phương án tài chính của Dự án.
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, sau khi UBND tỉnh Phú Thọ đưa Dự án tuyến nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B khai thác sử dụng vào năm 2018, nhiều phương tiện đã cố tình tránh trạm thu phí của Dự án (lưu thông từ Quốc lộ 32 vào tuyến nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, sau đó qua Đường tỉnh 316B, Đường tỉnh 316, rồi qua cầu Trung Hà), với số lượng xe tránh trạm bình quân mỗi ngày khoảng 150 xe loại 4 và 400 xe loại 5, gây sụt giảm doanh thu khoảng 90 triệu đồng/ngày, tương ứng 32,85 tỷ đồng/năm. Với những hao hụt nói trên, Dự án BOT này cần tới 36 năm 10 tháng để hoàn vốn.
Bên cạnh đó, hiện nay UBND tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư Dự án đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi Đường tỉnh 316 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà, hướng tuyến song song và cách tuyến BOT khoảng 500 m.
Theo ông Nguyễn Viết Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tasco, trường hợp dự án này được triển khai, lưu lượng các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT sẽ giảm mạnh do các phương tiện tránh trạm, gây phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu.
Các nhà đầu tư cho rằng, quá trình bổ sung quy hoạch và triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường nêu trên không có ý kiến tham gia của Bộ GTVT và doanh nghiệp dự án - một trong những đối tượng chịu tác động trực diện của việc điều chỉnh quy hoạch giao thông nói trên.
Nguy cơ tiếp tục “mất máu”
Trước đó, vào tháng 7/2021, trên cơ sở đơn kêu cứu của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã có Công văn số 6597/BGTVT - ĐTCT đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan xem xét rà soát, đánh giá lại sự cần thiết đầu tư tuyến đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi đường tỉnh 316, kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Bộ GTVT khẳng định, với quy mô Quốc lộ 32 như hiện tại là vẫn đáp ứng được nhu cầu vận tải nội vùng, không nhất thiết phải đầu tư tuyến đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi Đường tỉnh 316 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà.
Điều đáng nói là tại Văn bản số 2962/UBND-KTN ngày 15/7/2021 phản hồi kiến nghị của Bộ GTVT, UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng, khi phê duyệt Dự án đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi Đường tỉnh 316, địa phương này đã tính toán, loại trừ ảnh hưởng của dự án này đến Dự án BOT, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực của tỉnh.
Theo đó, địa phương sẽ chỉ triển khai đầu tư đoạn từ km0 - km8+897,44 (từ QL.32 đến ĐT.317G), chưa xem xét triển khai giai đoạn II (đoạn tránh Trạm thu phí BOT).
“Đây sẽ là tuyến đường để phát triển khu vực nội thị của thị trấn Hưng Hóa, do đó không cho phép xe tải lưu thông trên đoạn đường này. Như vậy, dự án này không ảnh hưởng đến hoạt động của công trình BOT”, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thông tin.
Tuy nhiên, giải thích này của UBND tỉnh Phú Thọ không khiến nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn Dự án BOT là Ngân hàng TMCP Công thương - Chi nhánh Nam Thăng Long yên tâm. Theo họ, Dự án đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi Đường tỉnh 316 vẫn sẽ làm công trình BOT tiếp tục “mất máu trầm trọng”, vỡ phương án tài chính và phát sinh nợ xấu cho ngân hàng.
“Nhà đầu tư đã kích hoạt Khoản 45.7, Điều 45 (Quyền và nghĩa vụ của Bộ GTVT đối với công tác thu phí của Hợp đồng BOT số 24/HĐBOT-BGTVT ngày 23/9/2015) trong đó có nêu: “Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước xem xét có biện pháp hỗ trợ Nhà đầu tư và can thiệp kịp thời khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có các chính sách hoặc hành động tác động làm ảnh hưởng đến hiệu quả Dự án trong suốt quá trình vận hành khai thác của dự án”, bà Nguyễn Thị Thu, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hùng Thắng cho biết.