Doanh thu thu giá dịch vụ trên Quốc lộ 6 để hỗ trợ cho Dự án bị “vỡ” rất sâu so với phương án tài chính. Ảnh: Anh Minh |
Sai sót nhỏ
Những sai sót, hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT (Dự án) là không đáng kể nếu nhìn vào kết quả kiểm toán vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.
Cụ thể, tổng số tiền mà nhà đầu tư là Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm trừ khi tiến hành quyết toán tại Thông báo Kết quả kiểm toán số 58/TB - KTNN chỉ vào khoảng 13 tỷ đồng.
Số tiền được đề nghị giảm trừ khi tiến hành quyết toán này chỉ trị giá 8% tổng số kinh phí được đưa vào kiểm toán và bằng 3% so với tổng mức đầu tư Dự án, tương ứng với thời gian giảm trừ khi thu phí là 3 tháng hoặc giảm giá vé 1%.
Trước đó, cùng với việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ BT (đổi đất lấy hạ tầng) sang BOT (thu phí hoàn vốn) vào tháng 2/2015, Dự án đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao cho liên danh Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội (HANCO) - Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc là nhà đầu tư.
Theo quyết định của Bộ GTVT, Dự án có tổng mức đầu tư là 2.942 tỷ đồng, bao gồm 2 hợp phần, trong đó hợp phần xây mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,7 km, tổng mức đầu tư 2.375 tỷ đồng và hợp phần cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,6 km, tổng mức đầu tư 567,4 tỷ đồng. Tại mỗi hợp phần sẽ xây dựng 1 trạm thu giá dịch vụ để hoàn vốn. Thời gian hoàn vốn tạm tính trong hợp đồng BOT là 24 năm 11 tháng 8 ngày, riêng trạm thu giá dịch vụ trên Quốc lộ 1 được thu trước ngày 1/8/2016 (thực tế thu từ 20/10/2015).
Là sự “chữa cháy” cho Dự án Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BT của Geleximco thi công lay lắt trong nhiều năm, công trình này được kỳ vọng “đưa khu vực Tây Bắc gần hơn với Thủ đô Hà Nội”. Tuy nhiên, tiến độ đang là một trong những điểm hạn chế lớn nhất tại Dự án BOT đường Hòa Lạc - Hòa Bình và Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình.
Ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, đến thời điểm tháng 5/2017, tiến độ thực hiện dự án chậm khoảng 8 tháng so với hợp đồng BOT đã ký với hai nguyên nhân chính là chậm trễ trong công tác GPMB và việc huy động vốn vay thương mại bị gián đoạn trong gần 1 năm.
Trong khi đó, theo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư chưa tiến hành xác định rõ mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân và trách nhiệm gây chậm tiến độ từng gói thầu.
Liên quan tới công tác chấp hành chế độ quản lý tài chính, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, hiện nguồn vốn vay thương mại là không đáp ứng nhu cầu cần huy động vốn của Dự án. Theo Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và doanh nghiệp dự án, nhà tài trợ chỉ cho Dự án vay với số tiền tối đa 1.999 tỷ đồng, đạt 77,69% so với nhu cầu vay vốn trên phương án tài chính của Hợp đồng BOT. Hiện nhà đầu tư chưa chứng minh được dòng tiền dự kiến bổ sung cho công trình để bù đắp phần vốn thiếu hụt.
Bên cạnh đó, sau khi Chính phủ cho phép ghép Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình vào Dự án Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thành Dự án BOT đường Hòa Lạc - Hòa Bình và Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, về nguyên tắc, Bộ GTVT phải chỉ đạo Ban quản lý dự án 2 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) tiến hành dứt điểm việc chấm dứt hợp đồng BT trước khi phê duyệt dự án BOT. Trên thực tế, do không thực hiện theo đúng quy trình, nên tổng mức đầu tư Dự án mới đã bị tính trùng một phần chi phí đã đầu tư. Quá trình thực hiện đầu tư cũng không có hồ sơ, biên bản bàn giao hiện trạng công trình đã thi công làm căn cứ pháp lý phân định khối lượng đã thực hiện.
“Đây là trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT và các cơ quan liên quan”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng kiểm toán Nhà nước cho biết.
Nguy cơ lớn
Nếu như những sai sót trong quá trình triển khai xây dựng là không lớn, thì việc doanh thu thu giá dịch vụ trên Quốc lộ 6 để hỗ trợ cho Dự án bị “vỡ” rất sâu so với phương án tài chính đang đẩy doanh nghiệp dự án đứng trước nguy cơ khôn lường.
Theo thống kê của Bộ GTVT, doanh thu thu phí thực tế của trạm thu giá dịch vụ trên Quốc lộ 6 trong năm 2016 đạt 78,8 tỷ đồng, tương ứng 66% PATC; 8 tháng đầu năm 2017 đạt 67,02 tỷ đồng, tương ứng khoảng 80% so với doanh thu của PATC dự án.
Cần phải nói thêm rằng, theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình thì số tiền thu được từ trạm thu giá dịch vụ Quốc lộ 6 (trạm Km42+730 - Lương Sơn, Hòa Bình) sẽ được sử dụng để đầu tư tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình với số thu tối thiểu kể từ ngày 1/8/2015 đến hết ngày 31/7/2016 phải đạt 124 tỷ đồng.
Ngoài lý do thời gian thu phí trước trên Quốc lộ 6 chậm hơn so với kế hoạch ban đầu gần 3 tháng (dự kiến từ 1/8/2015 nhưng thực tế bắt đầu thu từ 20/10/2015), việc giảm doanh thu do áp dụng chính sách miễn, giảm giá vé cho các đối tượng là các tổ chức, hộ dân thường trú tại khu vực trạm thu giá dịch vụ Km 42+730 theo phương án thống nhất với UBND tỉnh Hòa Bình và Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ - CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6370/VPCP - KTTH ngày 02/8/2016 và Văn bản số 9792/VPCP - TH ngày 14/11/2016 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã thực hiện việc không điều chỉnh tăng giá vé theo lộ trình tính toán nêu trong phương án tài chính khi ký kết hợp đồng dự án.
“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giảm doanh thu, ảnh hưởng rất lớn tới tổng mức đầu tư và phương án tài chính và khiến Dự án sẽ không khả thi về tài chính”, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT xác nhận.
Cũng do doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính, nên nhà tài trợ tạm dừng giải ngân cho Dự án từ tháng 9/2016 đến tháng 7/2017. Việc cấp vốn chỉ được nối lại từ tháng 8/2017 khiến công trường thi công gần như bất động suốt một năm qua.
Cùng với khó khăn về vốn, chậm trễ trong GPMB, khả năng hoàn thành hợp phần xây mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,7 km đúng tiến độ (tháng 12/2017) dù đã được điều chỉnh là rất thấp.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tính khả thi về tài chính Dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thu phí trước tại Trạm thu giá dịch vụ trên Quốc lộ 6 đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án) và được sử dụng số tiền thu này để hỗ trợ thực hiện Dự án, sau khi đã trừ các chi phí: duy tu bảo dưỡng công trình dự án, chi cho hoạt động quản lý trạm thu phí và các chi phí hợp lý khác.
Tổng số tiền hỗ trợ thực hiện dự án từ việc thu phí trước trên tuyến Quốc lộ 6 sau khi đã trừ các khoản chi phí dự kiến đạt khoảng 171 tỷ đồng.
Hiện chưa rõ quan điểm của Chính phủ đối với đề xuất của Bộ GTVT, nhưng nếu biện pháp “chữa cháy” này không được thông qua, thời gian hoàn vốn cho Dự án có thể kéo dài thêm ít nhất 4 năm, tức là khoảng 28 năm 11 tháng.
“Đây thực sự là một rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư BOT và các tổ chức tín dụng”, một chuyên gia phân tích.