Đầu tư
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì: Nút thắt khó gỡ về nguồn vốn
Anh Minh - 07/07/2024 11:01
Những vướng mắc liên quan đến việc triển khai chủ trương lồng ghép ngân sách trung ương và ngân sách địa phương khiến Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì “dậm chân tại chỗ”.

Chờ vốn địa phương

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có Công văn số 204/BC-UBND gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về tình hình phối hợp tổ chức thực hiện Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì. Theo đó, UBND tỉnh này đăng ký làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT trong khoảng thời gian từ ngày 2/7 đến 15/7/2024 để báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc tại Dự án.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho ý kiến về việc bố trí vốn từ ngân sách cấp tỉnh để đầu tư dự án được cơ quan trung ương phê duyệt dự án đầu tư và chủ đầu tư là cơ quan thuộc Trung ương quản lý (Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ GTVT), cụ thể là việc bố trí vốn ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc cho Ban Quản lý các dự án đường thủy để thực hiện dự án có phù hợp hay không.

Công tác triển khai Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì đang gặp nhiều lúng túng. Ảnh: A.M

Chỉ có quy mô vốn đầu tư 1.258 tỷ đồng, nhưng Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì khá đặc biệt, bởi là một trong rất ít công trình đường bộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hỗn hợp giữa vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT (799,4 tỷ đồng) và vốn ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc (458,44 tỷ đồng). Tuy nhiên, chính sự “đặc biệt” này khiến công tác triển khai Dự án đang gặp nhiều lúng túng.

Tính đến tháng 6/2024, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn là 760 tỷ đồng tại Quyết định số 236/TTg-KTTH ngày 21/2/2022 về việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đây chính là phần ngân sách của Bộ GTVT tham gia Dự án.

Đối với nguồn vốn tham gia của địa phương, tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 5/5/2023, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thống nhất chủ trương bố trí 459 tỷ đồng cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 17/5/2023 về việc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 (đợt 5), trong đó giao vốn cho Dự án là 459 tỷ đồng.

Để có thể hoàn thành Dự án vào cuối năm 2025, ngay từ cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt cho UBND các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường. Ban Quản lý các dự án đường thủy đã tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng từ ngày 7/3/2024, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ chung của Dự án.

Trên thực tế, chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng đã hoàn thành trích đo hồ sơ địa chính, đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc thẩm định làm cơ sở kiểm đếm, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo tính toán, đối với phần vốn từ ngân sách trung ương, nhu cầu vốn năm 2024 cho Dự án là 300 tỷ đồng (để chi trả cho công tác rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, tái định cư; xây lắp; tư vấn; chi phí quản lý dự án…). Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đã bố trí 152 tỷ đồng và dự kiến bố trí tiếp 148 tỷ cho Dự án ngay trong quý II - quý III/2024.

Đối với phần vốn từ ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc, nhu cầu vốn năm 2024 cho Dự án là 200 tỷ đồng (để chi trả cho công tác rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, tái định cư; xây lắp; tư vấn; chi phí quản lý dự án…). Tuy nhiên, đến nay, tỉnh chưa bố trí phần vốn này dù tiến độ giải phóng mặt bằng cho Dự án đang rất gấp gáp, do những đắn đo liên quan đến việc sử dụng vốn ngân sách địa phương cho công trình do Trung ương đầu tư, dù đây là phương án do chính UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất trước đó.

Trong Công văn số 204/BC-UBND, ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc sử dụng lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì đã được lãnh đạo Chính phủ đồng ý về chủ trương.

Tuy nhiên, đối chiếu các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, thì hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục và cách thức thực hiện việc lồng ghép nguồn vốn, giao vốn, giải ngân, thanh toán nguồn vốn ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện dự án do Trung ương quyết định đầu tư và chủ đầu tư là cơ quan trực thuộc Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, chưa có quy định đối với trường hợp quá trình thực hiện có phát sinh tăng chi phí đầu tư (cần phải điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư, bổ sung nguồn vốn) thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc hoặc Trung ương.

Vừa làm vừa gỡ

Có thể thông cảm phần nào với sự lúng túng của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nếu chiểu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục thanh toán, quyết toán Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì. Cụ thể, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Tài chính đã hướng dẫn thủ tục thanh toán, quyết toán, nhưng nội dung hướng dẫn chung chung là thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, chưa có nội dung hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và hồ sơ thanh toán, quyết toán đối với trường hợp dự án hợp nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Trong khi đó, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP không có quy định về phương thức thanh toán và kiểm soát thanh toán vốn đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công hợp nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương mà chủ đầu tư dự án là cơ quan thuộc Trung ương.

Được biết, khó khăn trong việc triển khai Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì còn đến từ việc phân bổ hai nguồn vốn cho các hạng mục, đặc biệt là giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, phạm vi thu hồi đất của Dự án là 26 m, trong đó ngân sách trung ương chịu trách nhiệm 22 m, ngân sách tỉnh chịu trách nhiệm 4 m còn lại. Điều này làm phát sinh rất nhiều khó khăn trong việc chia tách khối lượng, tài sản, giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng do có nhiều nội dung công việc không thể rõ ràng phân định trách nhiệm.

“Cụ thể, đối với các hạng mục tài sản ngoài chỉ giới, diện tích đất ngoài chỉ giới không thể tiếp tục sử dụng phải thu hồi chưa xác định là sẽ sử dụng vốn ngân sách trung ương hay vốn ngân sách tỉnh. Có những trường hợp nếu chỉ thu hồi theo ranh 22 m, thì phần tài sản, diện tích đất còn lại vẫn có thể tiếp tục sử dụng, nhưng khi thực hiện theo ranh giới 26 m thì không thể tiếp tục sử dụng”, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy, tháng 5/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét đề nghị Bộ GTVT dừng việc lồng ghép nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện Dự án và điều chỉnh (không lồng ghép nguồn vốn) để tiếp tục triển khai thực hiện Dự án từ nguồn vốn ngân sách trung ương.

Trong khi đó, dự án này đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 8/2021. Theo đề nghị của tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ cho phép lồng ghép nguồn vốn và điều chỉnh chủ trương đầu tư, đến tháng 5/2023 mới hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trong trường hợp UBND tỉnh Vĩnh Phúc chính thức đề nghị dừng hợp vốn và điều chỉnh chủ trương đầu tư, thì phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ và sẽ mất nhiều thời gian để điều chỉnh trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán... Điều này dẫn đến việc thực hiện Dự án khó đáp ứng tiến độ đầu tư trung hạn 2021-2025.

Để tránh làm “đổ vỡ” Dự án, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy báo cáo Kho bạc Nhà nước Trung ương cho phép bằng văn bản được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Trung ương (để giải ngân nguồn vốn của Bộ GTVT) và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc (để giải ngân nguồn vốn địa phương). Đây là phương án được học hỏi, tham vấn kinh nghiệm từ một số địa phương từng triển khai nguồn vốn hỗn hợp là Đà Nẵng và Hà Tĩnh.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hướng xử lý này sẽ giữ nguyên được việc tổ chức thực hiện Dự án như hiện nay, có thể sớm khởi công công trình; không phải điều chỉnh dự án và không phải thực hiện thủ tục điều chuyển các công việc đang triển khai dở dang về cho chủ đầu tư mới.

Tuy nhiên, do Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công không có quy định về việc ngân sách cấp tỉnh bố trí vốn cho dự án được cơ quan trung ương phê duyệt (Bộ GTVT quyết định đầu tư) và chủ đầu tư dự án là cơ quan thuộc Trung ương (Ban Quản lý các dự án đường thủy) dẫn đến việc thực hiện có một số rủi ro liên quan.

Theo ông Lưu Việt Khoa, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, đề xuất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là phương án khả thi nhất hiện nay. Quá trình triển khai Dự án có thể có những vướng mắc, phát sinh, nhưng phải xác định vừa làm, vừa tìm cách tháo gỡ. “Trong tuần này, chúng tôi sẽ có báo cáo Kho bạc Nhà nước để có thể khơi thông nguồn vốn ngân sách địa phương, qua đó đáp ứng đủ điều kiện khởi công Dự án”, ông Khoa cho biết.

Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì

Có điểm đầu khoảng Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh) huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (khoảng Km49+768,27), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Mục tiêu là đầu tư nâng cấp, cải tạo 11,06 km Quốc lộ 2 để đạt quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III đồng bằng, 4 - 6 làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư là 1.258,179 tỷ đồng, trong đó 2 khoản chi phí lớn nhất là bồi thường hỗ trợ và tái định cư 556,346 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí dự phòng) và chi phí xây dựng 575,721 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện: hoàn thành năm 2025.
Tin liên quan
Tin khác