Bế tắc
Mặc dù vẫn còn phải chờ ý kiến tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội, nhưng sự bế tắc là điều dễ dàng nhận thấy nếu chiểu theo quan điểm của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính trong việc tìm nguồn thanh toán cho khoản công nợ tồn đọng trị giá 192 tỷ đồng tại Dự án BT cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
. |
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10598/VPCP - CN đề nghị các bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng với UBND TP. Hà Nội cho ý kiến về các kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1745/UBND - CNXD của UBND tỉnh Hòa Bình liên quan đến việc thanh toán kinh phí cho Dự án BT đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (Dự án BT).
Cụ thể, tại Công văn số 1745/UBND - CNXD do ông Bùi Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án BT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không hạch toán phần chi phí đã thực hiện này vào Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT (Dự án BOT) như ý kiến của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ kinh phí (khoảng 192 tỷ đồng) hoặc cho phép UBND tỉnh Hòa Bình sử dụng quỹ đất của tỉnh để thanh toán cho Geleximco.
Điều đáng nói là, đề xuất xử lý khoản công nợ tồn đọng suốt hơn 5 năm của tỉnh Hòa Bình và Bộ GTVT đã không nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính. Tại Công văn số 15336/BTC - ĐT ngày 10/12/2018, Bộ Tài chính cho biết, Dự án BT đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chấm dứt để triển khai theo hình thức BOT và giao Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan được giao quản lý, đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, việc UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị được Trung ương hỗ trợ kinh phí hoặc cho phép sử dụng quỹ đất của tỉnh để thanh toán phần khối lượng mà nhà đầu tư Geleximco đã thực hiện là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
“Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, nhà đầu tư BT, nhà đầu tư BOT thống nhất, xác định phạm vi Dự án BOT thực tế đã sử dụng khối lượng dở dang bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng... mà Dự án BOT đã thực hiện. Trên cơ sở đó đề xuất phương án thanh toán kinh phí cho phần khối lượng mà Geleximco đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Bí lối
Dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đoạn trên địa phận tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT vào năm 2008. Nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định từ việc khai thác quỹ đất hai bên đường. Tháng 10/2010, UBND tỉnh Hòa Bình và Tập đoàn Geleximco đã ký hợp đồng BT để thực hiện đoạn qua tỉnh Hòa Bình (Km 13+050 - Km 33+256).
Trong quá trình triển khai, các xã Đông Xuân, Tiến Xuân (huyện Lương Sơn) được sáp nhập về Hà Nội, do đó, quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư không còn. Điều này khiến việc tiếp tục triển khai Dự án BT là khó khả thi. Với lý do nêu trên, năm 2013, UBND tỉnh Hòa Bình đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép xử lý dứt điểm phần khối lượng mà nhà đầu tư đã thực hiện cho đến thời điểm dừng Dự án BT và giao lại Dự án cho Bộ GTVT để tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn ODA hoặc đầu tư theo phương thức PPP.
Tại Văn bản số 8288/VPCP - KTN ngày 4/10/2013, Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện chấm dứt hợp đồng Dự án BT theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. 2 tháng sau, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo Quốc lộ 6 theo hình thức BOT và giao cho Bộ GTVT thực hiện.
Điều đáng nói là, gần 5 năm sau (ngày 17/4/2018), UBND tỉnh Hòa Bình mới ra Quyết định số 979/QĐ - UBND phê duyệt quyết toán Dự án BT và chấp nhận thanh toán khối lượng đã thực hiện theo quy định cho Geleximco với giá trị khoảng 192 tỷ đồng. Vào tháng 9/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét hạch toán khối lượng hoàn thành của Dự án BT vào Dự án BOT và bố trí kinh phí hoàn trả phần giá trị này cho địa phương. Tại thời điểm này, Dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã sắp hoàn thành.
Vướng mắc bắt đầu nảy sinh khi Bộ GTVT khẳng định, tại thời điểm tổ chức nghiên cứu lập Dự án BOT (tháng 4/2014), bộ này đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Dự án BT. Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT không được các địa phương và Geleximco bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các chi phí đã thực hiện của Dự án BT. Do vậy, trong tổng mức đầu tư của Dự án BOT được Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt không bao gồm phần khối lượng, giá trị công việc do Geleximco đã thực hiện (bao gồm chi phí xây dựng dở dang và giải phóng mặt bằng). Lối ra cho việc thanh toán cho Geleximco tiếp tục gặp bế tắc khi Bộ GTVT khẳng định việc hạch toán các chi phí do thực hiện dở dang vào chi phí của Dự án BOT sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án này.
“Để có thể giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến việc thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ thanh toán cho Dự án BT do Geleximco thực hiện theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nêu rõ.