8 năm vẫn miệt mài… khởi động
Hiện tại, Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, được cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đặt nhiều kỳ vọng với tư cách là công trình hạ tầng đầu tiên áp dụng thành công mô hình đối tác công - tư (PPP), đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn.
Được biết, cuối năm 2013, sau 6 năm chuẩn bị, Dự án tưởng như chỉ còn cách vài bước ngắn là tiệm cận mục tiêu khởi công xây dựng. Khi đó, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư thứ 2.
Tuy nhiên, tháng 1/2014, Dự án bắt đầu rơi vào trạng thái bế tắc, khi WB đề nghị dừng triển khai các công việc tiếp theo để thực hiện rà soát nâng cao chất lượng. Sau khi kết thúc quá trình rà soát vào tháng 7/2014, lãnh đạo cấp cao của WB đã đề xuất thay đổi cơ bản cấu trúc thực hiện Dự án. Cụ thể, phía WB đã lấy ý kiến các tổ chức ngân hàng thương mại và đề xuất các cơ chế mới, như “công cụ tín dụng dự phòng”, “tài khoản chỉ định” để bảo vệ bên cho vay nhằm tránh rủi ro về lưu lượng giao thông.
Trong đợt tham vấn các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại quốc tế diễn ra tại Singapore vào trung tuần tháng 2/2015 do WB và Bộ GTVT phối hợp tổ chức, bên cho vay thương mại tiếp tục yêu cầu cơ chế Dự án phải có thêm một loạt nội dung như: đảm bảo thu hồi vốn, cơ chế thanh toán từ Chính phủ theo chất lượng dịch vụ, bảo lãnh rủi ro về chính trị...
Được biết, những công cụ tài chính do WB đề xuất là chưa có tiền lệ, không có trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, do đó sẽ mất rất nhiều thời gian để được các cơ quan quản lý nhà nước thông qua, trong khi đoạn 36 km đầu tuyến phía Dầu Giây sẽ mãn tải vào năm 2018 và đoạn 62 km còn lại mãi tải năm 2020.
“Nếu tiếp tục nghiên cứu như hiện nay, Dự án sẽ tiếp tục gây lãng phí và dễ đi vào bế tắc. Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng chỉ có khả năng cung cấp 100 - 150 triệu USD, nên sẽ mất nhiều thời gian để thu xếp vốn triển khai theo hình thức PPP”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.
Lối thoát mới cho Dự án
Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vào cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa bảo lưu quan điểm cần phải tách Dự án thành 2 hợp phần: Hợp phần 1 - đầu tư đoạn 36 km đầu tuyến nối từ Dầu Giây đến Quốc lộ 1 để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (vốn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA của WB); Hợp phần 2 - đoạn còn lại dài 62 km sẽ tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu đưa ra quan điểm này tại Văn bản số 1767/BKHĐT-QLĐT vào tháng 3/2015.
Điểm đáng chú ý nhất của phương án này là việc Tập đoàn Bitexco sẽ không còn đóng vai trò nhà đầu tư thứ nhất trong Hợp phần 2 dự kiến vẫn áp dụng mô hình PPP.
“Việc tách hợp phần trong phương án nêu trên là cùng quan điểm với đề xuất của Bộ GTVT”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết.
Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện hợp phần PPP sẽ phải khởi động lại từ đầu, song theo các chuyên gia, đây vẫn là phương án có tính khả thi cao nhất để có thể tạo những bước tiến mạnh mẽ hơn tại công trình sau 8 năm triển khai vẫn ở thế khởi động.
Cụ thể, phương án này được đánh giá là tương đối hài hòa để giải quyết nhu cầu quá tải giao thông đoạn 36 km đầu tuyến và vẫn tận dụng được kết quả nghiên cứu Dự án trong thời gian qua để tiếp tục phối hợp với WB lựa chọn cơ chế phù hợp cho đoạn 62 km còn lại.
Đặc biệt, khoản vay từ IDA có lợi thế ưu đãi và thủ tục đơn giản hơn so với các khoản vay khác từ WB, nên đây cũng là điều kiện cần được xem xét để lựa chọn phương án đầu tư.
“Bộ GTVT cần khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan để quyết định phương án đầu tư rõ ràng cho Dự án. Đây cũng là cơ sở để trao đổi với Phó chủ tịch WB trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7/2015 và đảm bảo tiến độ lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án giao thông”, Thứ trưởng Đào Quang Thu kiến nghị.