Cụm công nghiệp Đông Gio Linh. Ảnh: TTXVN |
Dự án 10 năm vẫn trên giấy
Hơn 10 năm trước, ngày 1/8/2011, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Đông Gio Linh (huyện Gio Linh) với quy mô 70 ha. Đến ngày 25/6/2012, UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho Công ty Hoàng Khang với Dự án Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đông Gio Linh.
Đến ngày 5/9/2016, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định về việc điều chỉnh lại diện tích của Cụm công nghiệp Đông Gio Linh, từ 70 ha ban đầu xuống còn 50 ha, tách phần diện tích 20 ha thuộc thị trấn Cửa Việt ra khỏi Dự án để giao UBND huyện Gio Linh quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp (nay là dự án Cụm công nghiệp Bắc Cửa Việt).
Đối với 50 ha còn lại, ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Gio Linh thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) của Công ty Hoàng Khang. Trong đó, tổng vốn đầu tư dự án là 180 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày 25/6/2012.
Theo kế hoạch, tháng 2/2019 khởi công xây dựng các hạng mục công trình và tháng 2/2021 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng đến nay, hình hài dự án vẫn nằm chỉ trên giấy hoặc trên các phối cảnh tổng thể được vẽ ra ban đầu.
Trên thực tế, toàn khu vực được quy hoạch triển khai Dự án vẫn là “đồng không mông quạnh”, với những đụn cát được xới đào ngổn ngang, xen lẫn một ít đất đỏ được doanh nghiệp chở về với dự định san đắp nền đường, nhưng giữa chừng thì đứt đoạn. Ngay sát cổng lối vào, một căn nhà tạm bằng tôn được dựng lên làm lán trại qua đêm cho công nhân trông coi vài chiếc máy múc, máy ủi vẫn đang nằm bất động.
Xin dự án để khai thác titan?
Trước tình trạng dự án giậm chân tại chỗ, gây lãng phí quỹ đất, người dân địa phương và chính quyền sở tại đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét thu hồi.
Ông Lê Ánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, quỹ đất còn lại của xã rất ít, chỉ còn 9 ha, nên khó khăn trong việc bố trí tái định cư và sắp xếp các khu sản xuất, chế biến hải sản, các lò hấp cá ra khỏi khu đông dân cư. Trong khi đó, phần lớn khu đất dự án gần như bỏ không cả chục năm nay.
“Bà con hết sức bức xúc. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội, HĐND, bà con đã nhiều lần có ý kiến đề xuất cấp trên thu hồi diện tích đất đã giao cho dự án, vì nhà đầu tư không thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai. Xã cũng đã đề nghị cấp trên thu hồi một phần diện tích đã giao cho nhà đầu tư, nhưng thực hiện chưa đúng tiến độ và bố trí lại cho địa phương khoảng 20 ha để phục vụ việc giãn dân, xây dựng công trình văn hóa công cộng và làng nghề tập trung”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, qua nhiều lần làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, huyện Gio Linh đã đề nghị phải quyết liệt thu hồi dự án. Trong năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định gia hạn tiến độ cho dự án này đến hết tháng 9/2020, nhưng hết thời hạn, Dự án vẫn “án binh bất động”.
“Tại cuộc họp vừa rồi, huyện cũng tiếp tục yêu cầu thu hồi, nhưng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh lại đề xuất gia hạn cho nhà đầu tư đến tháng 6/2022. Chúng tôi phản đối quyết liệt. Dự án gì mà làm 10 năm chưa xong, thiệt thòi cho địa phương quá. Trong khi người dân địa phương không có đất sản xuất, kinh doanh, thì doanh nghiệp được giao đất rồi để không và địa phương không thu được đồng ngân sách nào”, ông Hóa nói.
Đáng chú ý, trong khi các hạng mục thi công hạ tầng vẫn giậm chân tại chỗ, thì Công ty Hoàng Khang lại tiến hành quây tôn và khai thác titan “lậu” ngay giữa khu đất dự án và không hoàn thổ, làm hình thành các hố nước sâu. Hậu quả khiến 2 người tử vong, trong đó có một em học sinh.
“Nếu họ không tiếp tục triển khai đầu tư dự án thì tỉnh sẽ thu hồi và chấm dứt Dự án. Về thẩm quyền để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất do chậm tiến độ sử dụng đất”, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho hay.