Đầu tư
Dự án đã thực hiện có được “hồi tố” ưu đãi ở đặc khu
Hà Nguyễn - 21/04/2018 08:25
Một câu hỏi đã được đặt ra từ lâu. Đó là liệu các chính sách ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có được phép hồi tố đối với các dự án đã triển khai?

Phấp phỏng chuyện “hồi tố”

Dù Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến tháng 5 tới mới được trình ra Quốc hội để thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, để kịp chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển các đặc khu trong giai đoạn tới, song có một câu hỏi luôn được các nhà đầu tư đặt ra. Đó là, các dự án hiện đã và đang triển khai tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc có được áp dụng các chính sách ưu đãi đang được xây dựng tại Dự thảo Luật hay không và liệu các biện pháp hồi tố có được thực hiện.

Sân bay Vân Đồn đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

Không chỉ là các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đã đặt ra câu hỏi này tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc mới đây. “Các vấn đề liên quan đến giai đoạn chuyển tiếp là rất quan trọng. Liệu có hồi tố hay không hồi tố đối với các chính sách ưu đãi đầu tư?”, ông Giàu đặt câu hỏi.

Thực tế, ngoài các vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, các chính sách kinh tế - xã hội để phát triển các đặc khu, thì các quy định “chuyển tiếp” cũng rất quan trọng. Có lẽ, đó là lý do mà dự kiến sẽ có một dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai Luật, trong đó, phần lớn điều khoản đều liên quan việc chuyển tiếp về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, hoạt động của cơ quan tư pháp, cũng như các vấn đề liên quan đến ưu đãi đầu tư các dự án đã và đang được triển khai tại các đặc khu.

Theo Dự thảo Nghị quyết, cũng như theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các dự án này, nếu vẫn đang trong thời gian được hưởng ưu đãi đầu tư, thì tiếp tục được hưởng ưu đãi còn lại. Trong trường hợp các dự án này thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu, thì được lựa chọn ưu đãi đầu tư đang hưởng hoặc ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật cho thời gian còn lại, kể từ ngày Nghị quyết thành lập đặc khu có hiệu lực thi hành.

“Nhà nước sẽ không xem xét lại đối với nghĩa vụ tài chính về đất đai trong trường hợp nhà đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị quyết thành lập đặc khu có hiệu lực thi hành”, Dự thảo Nghị quyết viết.

Chọn ngành nghề ưu tiên nào?

Chọn ngành nghề ưu tiên thế nào cho các đặc khu cũng là một vấn đề mang tính sống còn, bởi chọn đúng, các đặc khu sẽ có cơ hội và điều kiện để phát triển.

Hiện tại, các ngành nghề ưu tiên của đặc khu Vân Đồn là công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, du lịch và công nghiệp văn hóa, cảng hàng không, cảng biển, thương mại; của Bắc Vân Phong là công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, cảng biển, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại - tài chính; còn của Phú Quốc là du lịch, khách sạn, thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản, y tế, giáo dục, nghiên cứu - phát triển…

Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, danh mục các ngành nghề ưu tiên phát triển này được xây dựng căn cứ vào đề xuất của các địa phương, cũng như dựa vào tư vấn quốc tế trên cơ sở nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của các đặc khu.

Liên quan vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rà soát thật kỹ để tìm được các ngành nghề ưu tiên phù hợp cho mỗi đặc khu. “Ví như với Vân Đồn, có nên đưa công nghiệp công nghệ cao vào hay không? Ngay như ở Hòa Lạc (Hà Nội), sau bao nhiêu năm cũng chưa phát triển được thì liệu Vân Đồn có thể trở thành Thung lũng Silicon được không? Phải chăng, Vân Đồn chỉ nên phát triển thành thiên đường mua sắm, phát triển du lịch…”, ông Hiển nói.

Trong khi đó, theo khẳng định của ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các ngành nghề ưu tiên phát triển là nội dung mang tính trọng tâm, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách khác. Do đó, các ngành nghề ưu tiên này sẽ được xác định rõ trong Dự thảo Luật và hạn chế mở rộng nhằm đảm bảo nguyên tắc ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của từng đặc khu, chỉ xem xét, bổ sung những ngành nghề thực sự cần thiết theo đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi đã cân nhắc kiến nghị của các địa phương.

“Vừa rồi, cũng có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các ngành nghề ưu tiên phát triển mới, tuy nhiên sau khi rà soát, chúng tôi đã thống nhất đề nghị bổ sung ngành nghề dịch vụ tài chính và logistics với đặc khu Vân Đồn; bổ sung ngành nghề sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong. Trong khi đó, từ chối để Phú Quốc bổ sung ngành nông nghiệp công nghệ cao”, ông Định cho biết.

Tin liên quan
Tin khác