![]() |
Cổ phiếu ngân hàng đã có những phiên “dậy sóng”, kể cả với nhà băng nhỏ, khi có các yếu tố hỗ trợ. Ảnh: Đức Thanh |
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Hiện các ngân hàng đã công bố kế hoạch tổ chức và ngày chốt quyền tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 tới. Tâm điểm mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay chủ yếu xoay quanh kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án chi trả cổ tức, tăng vốn và nhân sự.
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, các ngân hàng đều đưa ra mức tăng trưởng lợi nhuận 10-20% so với năm 2024. Trong đó, nhóm ngân hàng tư nhân đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20-25%, nhóm ngân hàng quốc doanh tăng trên 16% (ngoại trừ Vietcombank). Động lực chính của kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn là từ thu nhập lãi thuần và tăng hiệu quả hoạt động.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2025 được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, 74,6-84,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025. 85,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2024. Bên cạnh đó, vẫn có 9,6% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không thay đổi.
Đáng chú ý là, những ngân hàng có nhiều yếu tố tác động được Mirae Asset lựa chọn với nền tảng là đầu tư công và tiêu dùng nội địa. Trong đó, 2 cổ phiếu ưa tiên là BID (BIDV) và CTG (VietinBank) được hưởng lợi từ việc gia tăng đầu tư công và các ngành liên quan. Các yếu tố cơ bản khác là chất lượng tài sản tốt và rất ổn định, khả năng huy động với chi phí thấp sẽ hỗ trợ cho thu nhập từ lãi. Việc tăng vốn thành công cũng có thể giúp gia tăng giá trị của các ngân hàng này trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, một vài ngân hàng tư nhân có câu chuyện đầu tư thú vị trong năm như Techcombank (mã TCB) với hệ sinh thái mạnh mẽ; VPBank (mã VPB) và HDBank (mã HDB) với tiềm năng gia tăng tỷ trọng khách hàng cá nhân cao, đặc biệt đối với phân khúc tín dụng tiêu dùng; Sacombank (mã STB) với câu chuyện tái cấu trúc thành công.
Đặc biệt, MBBank (mã MBB), VPBank, HDBank sẽ được nới room ngoại lên 49% kể từ ngày 19/5 theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30%, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.
Cổ phiếu “vua” được hưởng lợi
Giới phân tích tài chính cho rằng, chính các yếu tố trên sẽ tác động tích cực lên cổ phiếu “vua” trong năm 2025.
Theo Th.S Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Đầu tư FIDT, tăng trưởng kinh tế 8% thì tín dụng tăng 16%. Lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng sẽ song hành với tăng trưởng kinh tế. Không gian tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2025 vẫn có và rất cao, nếu nhìn vào xu hướng định giá, P/B của cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại rất thấp so với các chu kỳ lịch sử từ năm 2019.
Thực tế cho thấy, cổ phiếu ngân hàng đã có những phiên “dậy sóng” trong thời gian qua, kể cả với nhà băng nhỏ, khi có các yếu tố hỗ trợ. Đơn cử, giá cổ phiếu NAB của Nam A Bank tăng trần trong phiên 17/3 khi được nhiều quỹ ETF lựa chọn. Nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận diễn biến tích cực khi mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tới gần.
Các mã cổ phiếu ngân hàng có sự chuyển biến tốt lên của tài sản có thể kể đến VPB, MBB hay BID sẽ có dư địa tăng giá trong năm 2025. Một số cổ phiếu ngân hàng đã dẫn sóng tăng giá từ đầu năm nay như CTG, TCB, MBB, nhưng khi thị trường chưa thực sự bứt phá qua vùng 1.350 điểm, nhóm này có thể gặp áp lực chốt lời và dòng tiền có khả năng tìm đến những cổ phiếu có thị giá thấp hơn hoặc chưa tăng giá.
Từ trước đến nay, hai yếu tố tác động đến thị trường nhiều nhất là dòng tiền và định giá. Năm nay, nhiều khả năng, Nhà nước sẽ đẩy cung tiền để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 và làm nền tảng cho các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi nhuận, thì định giá của thị trường sẽ tăng lên.
Mức cổ tức chi trả “khủng” của các ngân hàng đã phần nào làm “ấm lòng” nhà đầu tư. Lợi nhuận ngành cũng được dự báo tăng theo sức cầu tín dụng trong năm nay. Trong khi đó, nhìn vào xu hướng định giá, theo giới phân tích, P/B của cổ phiếu “vua” đang rất thấp so với các chu kỳ cách đây 5 năm.
Với việc cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá vượt trội so với VN-Index trong năm 2024, các chuyên gia phân tích của VinaCapital kỳ vọng, giá cổ phiếu ngành này năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt, nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn và mức định giá thấp (1,3x P/B so với 16% ROE). Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của từng ngân hàng dự kiến có sự phân hóa rõ nét do những khác biệt lớn về định giá, chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận.
Giới phân tích cũng lưu ý, việc phát hành cổ phiếu ồ ạt có thể gây pha loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến giá trị trên mỗi cổ phần (EPS). Không những vậy, việc này còn có thể gây ảnh hưởng khá lớn đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, khi mà nhóm cổ phiếu “vua” chiếm tỷ trọng 40% trong VN-Index.