Khu đất gần 4.000 m2 để xây dựng tháp SJC bỏ hoang giữa trung tâm TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Lãng phí “đất vàng” 20 năm
Cuối tháng 5/2024, Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương (chủ đầu tư) có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị xem xét giải quyết thủ tục điều chỉnh Dự án Đầu tư tháp SJC vì Dự án đã đình trệ quá lâu. Dự án này được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2004, có diện tích gần 4.000 m2 tại vị trí đắc địa bậc nhất trung tâm TP.HCM, với 4 mặt tiền là đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực.
Theo thiết kế ban đầu, Dự án là một tổ hợp cao ốc 54 tầng với các chức năng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà hàng…, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Từ khi Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đến năm 2015, nhà đầu tư không thực hiện Dự án.
Sau đó, UBND TP.HCM giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan khiến Dự án chậm triển khai. Quá trình thanh tra phát hiện, các cổ đông góp vốn đã chuyển nhượng quá 5 lần, trong đó có 2 lần phát sinh lãi trên 668 tỷ đồng làm tăng vốn đầu tư tại Dự án.
Sau hơn 1 thập kỷ chậm trễ, ngày 2/12/2016, chủ đầu tư đã làm lễ động thổ. Tuy nhiên, do vướng thủ tục pháp lý, nên Dự án chưa thể tiến hành xây dựng. Để cỏ cây mọc um tùm trên “đất vàng” giữa trung tâm TP.HCM gây mất mỹ quan đô thị, nên Dự án từng bị Thành phố đưa vào danh sách các công trình làm xấu bộ mặt Thành phố.
Mấu chốt nằm ở giấy phép đầu tư
Sau nhiều nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục, tưởng chừng sẽ được khởi công vào năm 2021 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Thông báo số 939/TB-VP ngày 27/12/2021, nhưng Dự án vẫn bế tắc.
Ngày 7/5/2024, ông Lê Hữu Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã ký Văn bản số 09/CV-SGKC gửi UBND TP.HCM và các sở, ngành có liên quan về việc xem xét giải quyết thủ tục điều chỉnh Dự án. Trong văn bản, nhà đầu tư cho biết, để Dự án có thể kịp khởi công theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Thông báo số 939/TB-VP, doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai công tác thiết kế và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để được cấp phép xây dựng.
Đồng thời, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh Dự án theo quy định tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và nộp bổ sung chỉnh sửa hồ sơ theo yêu cầu của Sở. Tuy nhiên, hồ sơ xin điều chỉnh Dự án đến nay chưa được giải quyết.
Cuối tháng 12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có Văn bản số 16144/SKHĐT-KTĐN hướng dẫn và yêu cầu nhà đầu tư thực hiện báo cáo tình hình thực hiện dự án, báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện dự án. Sau khi được hướng dẫn, nhà đầu tư đã thực hiện và nộp lại hồ sơ xin điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đến ngày 2/1/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 00016/SKHĐT-KTĐN trả lời doanh nghiệp rằng, đơn vị chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Khi nhận được ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, Sở sẽ xem xét xử lý hồ sơ của doanh nghiệp theo quy định.
Do Dự án chưa tháo gỡ được các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, nhà đầu tư xin giảm tiền thuê đất năm 2022 và 2023, vì cho rằng, việc vướng mắc thủ tục pháp lý nằm ngoài khả năng thực hiện của doanh nghiệp, nhưng vẫn phải nộp tiền thuê đất.
Sau 4 năm kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ xin điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đến nay, Dự án chưa được xem xét giải quyết. Do chưa điều chỉnh được giấy chứng nhận đầu tư, nên doanh nghiệp không thể làm các thủ tục tiếp theo để tiến hành khởi công.
Nhà đầu tư cho rằng, việc kéo dài thời gian giải quyết thủ tục pháp lý dẫn đến vòng đời khai thác, kinh doanh của dự án bị rút ngắn, khả năng thu hồi vốn, lợi nhuận của Dự án cũng gặp nhiều khó khăn hơn.