Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhấn nút khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội |
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án Vành đai 4) là dự án trọng điểm của quốc gia, là công trình, sản phẩm cụ thể hóa quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án có tổng chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long); điểm đầu nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đại lộ Thăng Long, Nội Bài - Bắc Ninh.
Bảy tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng tại khu vực phía Bắc là: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội và Hà Nội - Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc bộ nói chung. Đặc biệt, cả 7 tuyến cao tốc huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. Như vậy, Vành đai 4 là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô.
Khi Vành đai 4 hình thành, hàng loạt “điểm đen” ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ được giải quyết. Đặc biệt, tuyến đường giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành chuỗi đô thị mới tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500 ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội) cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... sẽ phát triển rất nhanh khi Dự án Vành đai 4 được triển khai.
Xác định rõ vị trí, ý nghĩa của Dự án, ngày 13/9/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án Vành đai 4 trên địa bàn TP. Hà Nội.
Ban Thường vụ Thành ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Thường vụ Đảng ủy các quận, huyện liên quan, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác GPMB. Yêu cầu mỗi địa phương xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành GPMB, gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn Dự án.
Hà Nội xác định, GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” của Dự án, phải đi trước. Quá trình triển khai, Thành phố dự kiến các vấn đề có thể phát sinh, còn khó khăn, vướng mắc để đề ra chính sách phù hợp, cần thiết; nhanh chóng có hướng dẫn bổ sung, thống nhất từ trên xuống dưới, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho các quận, huyện thực hiện việc đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư.
Giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ
Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động, khối lượng GPMB Dự án Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội luôn bám sát tiến độ đề ra. Theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, toàn Thành phố đã phê duyệt và thu hồi đất 763,86 ha, đạt 96,54%. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất ở. Đặc biệt, huyện Sóc Sơn và Thường Tín đã hoàn thành phê duyệt phương án đất ở.
Ban Quản lý đã nhận bàn giao 714,15 ha, đạt 93,49% diện tích đất đã GPMB; di chuyển được 7.899 ngôi mộ, đạt 85,27%; đang thi công xây dựng 12/13 khu tái định cư, với tổng diện tích 32,5 ha tại 7 quận, huyện. Riêng huyện Thường Tín đã tổ chức bốc thăm cho 137 hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư.
“Dự kiến trong năm 2024, các địa phương có tuyến Vành đai 4 đi qua sẽ tập trung giải quyết khó khăn lớn là GPMB đối với đất ở và di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy nhanh thủ tục xây dựng các khu tái định cư, xác định giá đất cụ thể đầu đi, đầu đến, phê duyệt phương án tạm cư để thực hiện công tác GPMB đáp ứng tiến độ thi công Dự án”, ông Cường nói.
Liên quan công tác thi công và giải ngân vốn đầu tư, ông Nguyễn Chí Cường cho biết, kế hoạch vốn đã bố trí cho Dự án trong năm 2023 là 9.281,759 tỷ đồng (Ban Quản lý Dự án công trình giao thông TP. Hà Nội được bố trí 1.361,724 tỷ đồng; các quận, huyện được bố trí 7.920,035 tỷ đồng). Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý đã giải ngân được 1.359,417 tỷ đồng, đạt 99,83%. Các quận, huyện đã giải ngân 6.097,563 tỷ đồng, đạt 76,99%.
Tại Dự án thành phần 2.1 (đường đô thị song hành kết nối), các nhà thầu đang tổ chức 32 mũi thi công, gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu trên toàn bộ phần mặt bằng được bàn giao. Tuy nhiên, một số vị trí mặt bằng vẫn còn không liên tục, do vướng đất thổ cư chưa GPMB. Tuyến đường song hành chủ yếu đi qua vùng đất yếu, thời gian xử lý nền và đắp gia tải khoảng 2 tháng, thời gian chờ lún khoảng 6 - 8 tháng. Trong mùa mưa lại không thể thi công được do thường xuyên ngập úng. Đây chính là ‘đường găng’ tiến độ của Dự án.
Vì vậy, Ban Quản lý Dự án đã tích cực phối hợp với từng quận, huyện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB; đề nghị các quận, huyện hoàn thành công tác GPMB trước ngày 30/4/2024 để kịp thời xử lý nền đất yếu, đắp gia tải xong trước mùa mưa năm 2024.
Dự án thành phần 3 (đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP) được xác định là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên áp dụng Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Ông Cường cho hay, dự kiến Dự án thành phần 3 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và khởi công trong tháng 12/2024.
Về tình hình cung ứng nguyên vật liệu phục vụ thi công Dự án, hiện các nhà thầu tập kết về công trường và thi công được hơn 340.000 m3 cát đắp, 50.000 m3 đất đắp bao và vẫn đang tiếp tục vận chuyển về công trường. Riêng nguồn vật liệu đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù, các mỏ cát Chu Phan và Thạch Đà 1 đã được chấp thuận hồ sơ đăng ký của nhà thầu với trữ lượng khai thác lần lượt là 0,744 triệu m3 và 0,425 triệu m3. Các nhà thầu thi công đã tập kết hơn 100.000 m3 và thi công khoảng 60.000 m3 cát đắp từ các mỏ này.
Vượt khó khăn, tăng tốc từng ngày
Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là 7 quận, huyện có dự án đi qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội hoan nghênh các quận huyện đều cam kết phấn đấu hoàn thành GPMB xong trước ngày 30/3/2024; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục tập trung cao độ để hoàn thành GPMB đúng cam kết, phải đảm bảo không cản trở mặt bằng thi công. “Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện; đẩy nhanh các thủ tục, vận dụng các cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.
Về thi công Dự án thành phần 2.1, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao các nhà thầu cam kết thi công xuyên Tết, phấn đấu về đích trước thời hạn, đồng thời yêu cầu các nhà thầu thi công khẩn trương, tranh thủ thời gian, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành phần đường song hành chậm nhất vào quý III/2025.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị lãnh đạo UBND TP. Hà Nội tăng cường đi cơ sở, trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, các nhà thầu để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tranh thủ từng ngày để tăng tốc triển khai Dự án…
Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm mọi quy định mang tính đặc thù, ưu tiên cho Dự án, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, vi phạm pháp luật. Mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực lớn của Trung ương và TP. Hà Nội, tin rằng Dự án Vành đai 4 sẽ đảm bảo đúng tiến độ, trở thành động lực mới cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng, Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung.