Đầu tư
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT744 tỉnh Bình Dương: Nhà thầu “méo mặt” vì chậm tiến độ
Ngọc Tuấn - 15/08/2016 08:02
Háo hức khởi động, tưng bừng khánh thành, tới nay nhà thầu vẫn “nằm chờ” để hoàn thiện thi công vì chưa được bàn giao nốt mặt bằng.
TIN LIÊN QUAN

Manh mún mặt bằng… sa lầy tiến độ

Dự án Nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đường ĐT744 dài 46,5 km, nối thành phố Thủ Dầu Một đến huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) có vốn đầu tư hơn 1.458 tỷ đồng, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, được triển khai thành nhiều giai đoạn, với 5 dự án thành phần. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Giai đoạn I đã hoàn thành 3 dự án thành phần và giai đoạn 2 triển khai 2 dự án thành phần.

Nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt đã trúng toàn bộ 6 gói thầu, thuộc 3 dự án thành phần còn lại với chiều dài 26km, tổng giá trị xây lắp khoảng 450 tỷ đồng (giá chưa điều chỉnh).

Xe máy, thiết bị của nhà thầu Đại Việt phơi nắng mưa chờ  mặt bằng thi công

Đại diện nhà thầu Đại Việt cho biết, quá trình thi công rất khó khăn do mặt bằng chủ đầu tư bàn giao không đúng tiến độ như cam kết. Điển hình của việc này, khiến nhà thầu “sa lầy” tiến độ, là gói thầu Xây lắp phần đường và hệ thống thoát nước đoạn từ Km12 đến Km19.

Cụ thể, hợp đồng số 170/2010/HĐKT được ký giữa chủ đầu tư với nhà thầu Đại Việt ngày 7/6/2010, thời gian thực hiện gói thầu này là 320 ngày từ ngày ký hợp đồng. Theo hợp đồng, gói thầu sẽ phải hoàn thành vào giữa năm 2012. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, hiện trường ngày 10/8 trên toàn tuyến còn nhiều vị trí vướng giải phóng mặt bằng, theo đó, nhân lực, thiết bị của nhà thầu Đại Việt vẫn “phơi mưa nắng” chờ mặt bằng để thi công.

Một người dân ở ấp Rạch Bắp (xã An Tây, huyện Bến Cát) cho biết, hầu hết người dân đồng ý mức giá đền bù 550.000 đồng/m2, nhưng từ khi đo đạc, kiểm đếm xong, không hiểu vì sao nhiều nhà chưa nhận được tiền đền bù. Theo danh sách hộ dân giải tỏa do nhà thầu Đại Việt cung cấp, trên toàn tuyến thuộc gói thầu xây lắp đoạn từ Km12 đến Km19 có khoảng 611 hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp có diện tích đất cần giải tỏa. Từ năm 2010 đến 2013, còn nhiều hộ dân chưa nhận đền bù và  tới nay chưa có thêm hộ dân nào được nhận đền bù và giao mặt bằng.

Theo tài liệu phóng viên Báo Đầu tư có được, tính từ lần gia hạn hợp đồng đầu tiên vào tháng 8/2011 tới tháng 12/2015, gói thầu kể trên được ký phụ lục gia hạn hợp đồng tới 8 lần. Hầu hết các lần gia hạn, không biết chủ đầu tư có chủ ý gì, mà không đả động đến nguyên nhân kéo dài tiến độ. Nếu có, chỉ mơ hồ rằng, nguyên nhân trễ hạn hợp đồng sẽ được xác định khi công trình hoàn thành. Thời gian gia hạn đã hết, nhưng chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa ký thêm phụ lục để gia hạn tiến độ và gói thầu chưa hẹn ngày về đích.

“Méo mặt” vì tiến độ kéo dài

Lãnh đạo nhà thầu Đại Việt chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhà thầu này đã huy động toàn lực để thi công và cả 6 gói thầu đều đạt khối lượng trên 90% và chất lượng đảm bảo. Các hạng mục chính cơ bản được hoàn thiện, thậm trí có gói thầu đã đưa vào khai thác 5 năm nay. Tuy nhiên, việc đình trệ bàn giao mặt bằng từ cuối năm 2013 khiến cả “bộ máy” của Đại Việt nằm chờ, khiến nhà thầu “méo mặt” trước vô vàn khó khăn.

“Về nguyên lý, không thể thi công được khi mặt bằng quá nhỏ. Tiến độ kéo dài và giá nhân công, vật liệu, xe máy biến động rất lớn. Theo luật quy định, nhà thầu chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư đàm phán để bù giá, vì nguyên nhân chậm tiến độ do lỗi từ phía chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư chỉ đề cập mơ hồ rằng, sau khi hoàn thành dự án sẽ xem xét”, đại diện nhà thầu Đại Việt cho biết.

Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 38 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 về Hợp đồng xây dựng, việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, không do lỗi của bên nhận thầu gây ra, thì được phép điều chỉnh tiến độ hợp đồng. Theo đó, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 27 của Nghị định này, cũng quy định, bên nhận thầu thi công xây dựng được quyền yêu cầu bên giao thầu bồi thường thiệt hại, khi bên giao thầu chậm bàn giao mặt bằng thi công. Có thể thấy, các hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Đại Việt là hợp đồng theo đơn giá cố định, nhưng bị kéo dài tiến độ, không do lỗi của nhà thầu, thì các bên cần đàm phán điều chỉnh đơn giá đối với khối lượng công việc thực hiện trong khoảng thời gian tiến độ bị kéo dài, đảm bảo quyền lợi giữa các bên.

Theo ước tính của nhà thầu Đại Việt, tổng giá trị bù giá chỉ của 4 trên 6 gói thầu đã khoảng 120 tỷ đồng. Nhà thầu này đã gửi hàng loạt văn bản yêu cầu chủ đầu tư bù giá từ năm 2013 tới nay, xong sự việc vẫn ở điểm xuất phát. Trong các văn bản phúc đáp, chủ đầu tư đều khẳng định: “Việc bù giá phải được thực hiện 1 lần cho tất cả khối lượng thuộc diện được bù giá, do vậy khối lượng còn tồn đọng chưa hoàn thành theo thiết kế được duyệt phải được thi công hoàn thiện…”, xem ra việc bù giá như “trạch đẻ ngọn đa”, bởi chủ đầu tư đã không bàn giao mặt bằng mà vẫn yêu cầu nhà thầu hoàn thành khối lượng công việc tồn đọng.

Báo Đầu tư đã gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết quan điểm về những phản ánh của nhà thầu Đại Việt nêu trên, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về quan điểm phía chủ đầu tư và một số chi tiết mới về Dự án này.

Tin liên quan
Tin khác