“Cháo” đã múc… tiền chưa hẹn ngày trao?
Có cơ sở để thấy rằng, Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt rơi vào tình trạng “bĩ cực” bởi nhà thầu này không chỉ “lún ngập đầu” chờ bù giá, mà còn đang ôm nguy cơ thiệt thòi tiền tỷ đồng vì suốt 2 năm ròng, chủ đầu tư không thanh toán khối lượng cát bù lún tại các gói thầu số 4 và số 5 thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT744.
Trong đó, Gói thầu số 4 (Xây lắp phần đường, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng và đèn tín hiệu giao thông đoạn từ Km26+200 đến Km28+700) được ký kết bằng Hợp đồng số 183/2011/HĐKT ngày 23/5/2011, với giá trị hợp đồng hơn 95 tỷ đồng. Còn Gói thầu số 5 (Xây lắp phần đường, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng và đèn tín hiệu giao thông đoạn từ Km28+700 đến Km31+824) có giá trị hợp đồng hơn 83 tỷ đồng, được giao kết bằng Hợp đồng số 184/2011/HĐKT ngày 23/5/2011. Hai gói thầu này đã hoàn thành từ tháng 11/2014.
Gói thầu đã hoàn thành 2 năm, nhưng việc thanh toán đang còn nhiều rối rắm. |
Đại diện nhà thầu Đại Việt cho biết, theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt thì việc bù lún trong Gói thầu số 4 và Gói thầu số 5 bằng lớp vật liệu có độ dày 34 cm, bao gồm bù lún trong quá trình thi công (17 cm vật liệu cát) và bù lún trong quá trình gia tải. Tuy nhiên, do điều kiện thi công vào mùa mưa, mực nước ngầm cao, việc bù lún phải được thực hiện hoàn toàn bằng cát để xử lý nền yếu, loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vì vậy, chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất chuyển sang phương án bù lún trong quá trình gia tải sang vật liệu bằng cát. Việc thay đổi làm phát sinh tăng chi phí ngoài dự toán.
Điều đáng nói là, thay đổi này chỉ được chủ đầu tư chỉ đạo bằng điện thoại, thông qua các cuộc họp, nhưng chưa có biên bản chính thức. “Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu làm trước và hứa trình cấp có thẩm quyền xin chủ trương thay đổi vật liệu bù lún quá trình gia tải. Tuy nhiên, cho tới nay, chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục này”, nhà thầu Đại Việt cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì quy trình chuẩn là, sau khi hoàn tất việc trình cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh Bình Dương) chấp thuận chủ trương thay đổi vật liệu, chủ đầu tư phải xem xét duyệt dự toán và ký phụ lục hợp đồng để làm cơ sở cho nhà thầu thi công. Có lẽ, Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương đã thực hiện quy trình ngược do áp lực tiến độ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, nhà thầu đã hoàn tất việc thi công 2 năm, song chủ đầu tư thiếu thiện chí thực hiện lời hứa hoàn tất quy trình thủ tục. Kết quả là, trái đắng mà nhà thầu Đại Việt nhận là toàn bộ khối lượng cát bù lún 34 cm giá trị 10,1 tỷ đồng chờ thanh toán vẫn chưa đủ cơ sở để thanh toán.
Công bằng mà nói, vì chữ tín, nhà thầu Đại Việt đã tiến hành thi công theo phương án thay đổi vật liệu được thống nhất với chủ đầu tư bằng “văn bản miệng”. Xét về lý, các bên chưa ký phụ lục hợp đồng, nên căn cứ pháp lý chưa vững và xem ra Đại Việt đã bị “hớ” trong sự vụ này. Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu hồ sơ, chúng tôi thấy, ngoài một số điều khoản trong hợp đồng điều chỉnh phát sinh này, còn có các biên bản họp có sự tham gia đầy đủ của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị tư vấn thi công và đại diện Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương ghi nhận khối lượng phát sinh xử lý nền nói trên.
Cụ thể, biên bản xác nhận khối lượng bù lún lập ngày 6/11/2014 được đại diện các bên như BQLDA Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư), Công ty cổ phần Tư vấn - Quản lý các dự án xây dựng Vĩnh Long, Công ty cổ phần Tư vấn - Xây dựng tổng hợp Bình Dương và nhà thầu Đại Việt ký xác nhận. Theo đó, sau khi khoan kiểm tra chiều sâu lún đoạn cát xử lý nền đất yếu tại 14 vị trí, các bên xác định: cao độ đáy móng cát sau khi đã gia tải, chờ lún thấp hơn cao độ đáy móng cát thiết kế trung bình 34,41 cm. So sánh đối chiếu với số liệu tính lún trong hồ sơ thiết kế được duyệt (34 cm) là khá tương đồng, nên các bên thống nhất lấy số liệu tính lún theo hồ sơ thiết kế để xác định khối lượng bù lún.
Không dễ “gỡ thế khó”
Trong thực tiễn thi công thầu xây lắp, việc linh động thay đổi giải pháp kỹ thuật so với hồ sơ thiết kế được duyệt ban đầu là chuyện không phải hiếm gặp, nhằm khắc phục các điều kiện thi công bất lợi, phức tạp phát sinh mà trong bước khảo sát, thiết kế chưa tiên liệu hết nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình xây dựng.
Trong nhiều trường hợp “tiền trảm, hậu tấu” như vậy, thì trách nhiệm chủ đầu tư được đặt ở vị trí quyết định, bởi chủ đầu tư là người “phát lệnh” để nhà thầu thi công trước. Bên cạnh đó, ngay thời điểm phát sinh việc điều chỉnh, chủ đầu tư phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương cho thay đổi vật liệu bù lún gia tải để có cơ sở phê duyệt dự toán, bố trí ngân sách, ký phụ lục hợp đồng làm căn cứ thanh toán khối lượng phát sinh cho nhà thầu.
Tới nay, sự việc có dấu hiệu không dễ để gỡ khó, bởi ngoài việc thiếu thiện chí, thì việc xin chủ trương cũng đang dần xa tầm với của chủ đầu tư, thậm chí đi vào ngõ cụt. “Lúc được phép lập các thủ tục liên quan để đề nghị cấp có thẩm quyền ra chủ trương thì chủ đầu tư không làm. Song từ tháng 1/2015, theo phân nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương thì việc lập thủ tục nói trên không còn thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư, mà phải trình qua Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Sở Xây dựng để xin lập thủ tục trình UBND tỉnh ra chủ trương. Việc xin chủ trương hiện tại rất phức tạp, bởi vướng không ít quy định. Câu hỏi còn bỏ ngỏ là, 3 sở nói trên có đủ căn cứ pháp lý và quyết tâm để sửa sai cho chủ đầu tư, BQLDA Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương không?”, nhà thầu Đại Việt nêu vấn đề.
Diễn tiến trên đây cho thấy nguy cơ nhà thầu Đại Việt bị thiệt đơn, thiệt kép hiện hữu hơn lúc nào hết. Nếu việc thanh toán khối lượng cát bù lún không được chấp thuận điều chỉnh, thì các bên phải thực hiện thanh toán theo hồ sơ thiết kế ban đầu. Theo ước tính của nhà thầu, nếu kịch bản này diễn ra, họ sẽ thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, chưa kể chi phí lãi vay mà Đại Việt phải gánh trên tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng trong suốt 2 năm.
Ngày 16/8, nhà thầu Đại Việt đã lần thứ 5 gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư thanh toán khối lượng cát bù lún, song quan điểm giải quyết khúc mắc này của BQLDA Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương vẫn không rõ ràng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thì chủ đầu tư khá lúng túng trong việc tìm phương cách tháo gỡ khó khăn. Sự bất nhất của chủ đầu tư thể hiện rất rõ trong 2 văn bản phúc đáp nhà thầu. Cụ thể, Văn bản số 154/QLDA-KT1 ngày 19/3/2015 nói “nhà thầu vẫn chưa theo thiết kế được duyệt và cũng chưa trình hồ sơ nghiệm thu để làm cơ sở thanh toán”. Vậy thiết kế được duyệt nêu ra trong văn bản này được hiểu như thế nào? Nếu hiểu là thiết kế được duyệt ban đầu thì không phản ánh hết thực tế, bởi các bên đã thống nhất thay đổi thi công 17 cm bù lún gia tải từ vật liệu sỏi đỏ sang cát. Việc thanh toán này chắc chắn gây thiệt hại lớn và nhà thầu không chấp nhận. Nếu hiểu thiết kế được duyệt là thiết kế sau khi UBND tỉnh ra chủ trương chuyển đổi, thì càng không hợp lý, vì việc xin chủ trương chưa diễn ra. Một khi chưa thống nhất về thiết kế được duyệt thì làm sao có cơ sở lập hồ sơ nghiệm thu để thanh toán?
Sau đó, tại Văn bản số 261/QLDA-KT1 ngày 7/5/2015, chủ đầu tư lại nêu: “Riêng phần bù lún 34 cm do sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế đã được duyệt và có phát sinh, bổ sung khối lượng bù lún. Để thanh toán, Ban phải xin chủ trương quyết định của cấp có thẩm quyền” và yêu cầu nhà thầu Đại Việt có văn bản chính thức đề nghị việc thay đổi vật liệu bù lún để làm cơ sở trình cấp thẩm quyền xem xét giải quyết. Chủ đầu tư còn yêu cầu nhà thầu khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Đại diện nhà thầu cho biết, về “văn bản chính thức” thì họ đã gửi nhiều lần, còn việc “khẩn trương hoàn thành các thủ tục” (được hiểu là thủ tục xin ra chủ trương thay đổi) thì thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nên nhà thầu muốn làm thay cũng không được, vì không “chính danh”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ liên lạc với BQLDA Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương để tìm hiểu thông tin, đồng thời tiến hành đăng ký làm việc với UBND tỉnh Bình Dương nhằm ghi nhận quan điểm của địa phương.