Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang diễn ra rất phức tạp. Trong ảnh: Rừng thông 3 lá tại Lâm Đồng Ảnh: Nhiệt Băng |
“Cơ chế đặc thù” không thể “đá” luật
Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định chủ trương dự án trồng rừng sau giải tỏa. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra rất phức tạp, công tác giải tỏa lấn chiếm rừng luôn là điểm nóng, thường xuyên xảy ra, sau khi giải tỏa được đất rừng bị lấn chiếm, các đơn vị chủ rừng phải chủ động thực hiện trồng lại rừng ngay để đảm bảo quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất tình trạng lấn chiếm đất rừng.
Để tháo gỡ các khó khăn trong các tác quản lý, bảo vệ và thực hiện trồng rừng sau giải toả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND tỉnh ngày 21/6/2022 về việc phê duyệt đơn giá trồng rừng và quy trình đầu tư, cơ chế tài chính đặc thù đối với trồng rừng sau giải tỏa, trong đó tại khoản 1, Điều 2, quy định cụ thể trình tự thực hiện đầu tư.
Theo quy định tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND, đơn vị chủ rừng lập danh mục dự án trồng rừng sau giải tỏa với nội dung bao gồm đơn vị chủ rừng quản lý trồng rừng, địa điểm, diện tích trồng rừng, thời gian thực hiện trồng rừng, dự kiến kinh phí và nguồn lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục dự án để triển khai thực hiện.
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận và thẩm định 33 hồ sơ trồng rừng trên diện tích 481,11 ha (trong đó: trồng rừng thay thế 6 hồ sơ/93,8 ha; trồng rừng sau giải tỏa 13 hồ sơ/196,71 ha; trồng rừng sau khai thác trắng 1 hồ sơ/12,55 ha; trồng rừng trên đất trống 13 hồ sơ/178,05 ha). Diện tích giải tỏa cây trồng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là 252,128 ha; thực hiện trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp sau giải tỏa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận và có ý kiến về thiết kế kỹ thuật tồng rừng cho 13 hồ sơ, với diện tích 196,71 ha.
Về tiếp nhận hồ sơ trồng rừng năm 2023 (tính đến ngày 11/11/2022), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận và đang thẩm định 3 hồ sơ với diện tích 32,8 ha (trong đó: trồng rừng thay thế 1 hồ sơ/12,49 ha; trồng rừng trên đất trống 2 hồ sơ/20,31 ha). Về khôi phục tỷ lệ che phủ rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định năm 2022, các địa phương đã thực hiện trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích trên diện tích 479,35 ha.
Bên cạnh đó, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện các nội dung công việc sau khi được phê duyệt danh mục triển khai dự án, bao gồm: lựa chọn đơn vị cung cấp cây giống, vật tư và đơn vị trồng rừng để khẩn trương triển khai ngay việc trồng rừng đảm bảo tính cấp bách.
Đồng thời, trong quá trình trồng rừng, đơn vị chủ rừng có trách nhiệm tổ chức lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình, bao gồm: thiết kế dự án trồng rừng trình cấp thẩm quyền phê duyệt; nhật ký trồng rừng và các hình ảnh ghi nhận quá trình trồng rừng; các biên bản nghiệm thu, kết quả trồng rừng (nếu có); hồ sơ quản lý vật tư, cây giống; các căn cứ, cơ sở để xác định khối lượng công việc trồng rừng và các hồ sơ, văn bản, tài liệu khác có liên quan hoạt động trồng rừng.
Quyết định 1109/QĐ-UBND cũng quy định việc thực hiện trồng lại cây rừng bị rủi ro nhổ bỏ để tái lấn chiếm năm 1, năm 2 trên hiện trường trồng rừng sau giải tỏa: “Đơn vị chủ rừng lập biên bản hiện trường xác định vị trí, số lượng cây bị nhổ bỏ tái lấn chiếm có xác nhận của hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương (kèm hình ảnh trước và sau khi trồng lại), trên cơ sở biên bản xác nhận đó, đơn vị chủ rừng chủ động tổ chức thực hiện trồng lại cây rừng bị nhổ từ nguồn kinh phí hỗ trợ trồng lại cây rừng trong tổng mức dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt”.
Sau khi cơ chế đầu tư trồng rừng sau giải tỏa được UBND tỉnh ban hành, các đơn vị chủ rừng đã chủ động ứng vốn để thực hiện kịp thời công tác trồng rừng, đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng, đáp ứng được chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện trồng ngay rừng sau khi được giải tỏa đất rừng.
Sau khi Quyết định 1109/QĐ-UBND được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án đã trồng rừng sau giải tỏa thực hiện theo cơ chế đặc thù của UBND tỉnh ban hành, nhưng không được bố trí vốn, mà Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thực hiện đúng trình tự đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, trong đó yêu cầu phải được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mới đủ điều kiện bố trí vốn.
Mặt khác, các đơn vị chủ rừng lập đề xuất chủ trương đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp đề xuất, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 85/NQ-HĐND ngày 8/7/2022, trong đó phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trồng rừng sau giải tỏa năm 2022, do thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài đến quý III/2022, nên công tác bố trí vốn cho các dự án kéo dài đến cuối năm, gây khó khăn trong các tác trồng rừng.
Để thực hiện công tác trồng rừng sau giải tỏa năm 2023 thuận lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh xem xét có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, thống nhất thực hiện các dự án trồng rừng sau giải tỏa theo quy trình đầu tư công hoặc theo cơ chế đầu tư đặc thù được UBND tỉnh ban hành Quyết định 1109/QĐ-UBND về việc phê duyệt đơn giá trồng rừng và quy trình đầu tư, cơ chế tài chính đặc thù đối với trồng rừng sau giải toả, để thuận lợi trong quá trình lập thủ tục đầu tư, thống nhất từ địa phương, sở, ngành tránh tình trạng địa phương thực hiện trồng rừng theo cơ chế đặc thù, nhưng khi đề xuất vốn lại không được bố trí như năm 2022.
Nếu thực hiện dự án trồng rừng sau giải tỏa theo quy trình dự án đầu tư công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị quy trình thực hiện phê duyệt chủ trương dự án đầu tư.
Cụ thể, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trồng rừng sau giải tỏa của các đơn vị chủ rừng trình lên để đề xuất thành báo cáo chủ trương đầu tư dự án trồng rừng sau giải tỏa năm 2023 thuộc Đề án Tăng cường quản lý bảo vệ rừng ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Đề án 1836).
Tuy nhiên, do tính đặc thù của dự án trồng rừng sau giải tỏa xảy ra thường xuyên, nhiều địa điểm trên địa bàn các huyện, các đơn vị chủ rừng và phải được thực hiện ngay sau khi được giải tỏa đất rừng được lấn chiếm, để đảm bảo kịp thời trồng rừng thì việc rút ngắn thủ tục đầu tư theo trình tự thực hiện dự án đầu tư công là một trong mấu chốt quan trọng.
Do đó, đối với dự án trồng rừng sau giải tỏa đề nghị UBND tỉnh thống nhất cho các đơn vị chủ rừng lập chủ trương đầu tư theo từng dự án chủ rừng làm chủ đầu tư đúng thời điểm cần phải trồng lại rừng trồng, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định theo quy định thẩm định chủ trương dự án đầu tư công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thẩm định về mặt kỹ thuật.
Không có trong danh mục phân bổ vốn
Theo Báo cáo số 141/BC-SNN ngày 19/5/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng mức đầu tư của dự án là 20.255 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án 5 năm. Cụ thể, năm 2022 là 10.206 triệu đồng, năm 2023 là 3.771 triệu đồng, năm 2024 là 3.257 triệu đồng, năm 2025 là 2.872 triệu đồng, năm 2026 là 149 triệu đồng.
Tuy vậy, theo Sở Tài chính, sau khi rà soát các Quyết định số: 2923/QĐ-UBND ngày 9/12/2021, 378/QĐ-UBND ngày 9/3/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh Lâm Đồng, dự án trồng rừng sau giải tỏa thuộc Đề án 1836 không có trong danh mục dự án được phân bổ vốn năm 2022.
Do đó, Sở Tài chính cho rằng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thực hiện dự án đầu tư trong năm 2022 với số tiền 10.206 triệu đồng là chưa phù hợp.
Chưa kể, Đề án tăng cường quản lý bảo vệ rừng ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021- 2025, kinh phí trồng 50 triệu cây xanh với tổng số tiền là 219.801 triệu đồng (tại Quyết định số 2806/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh Lâm Đồng).
“Trường hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quy mô đầu tư và nguồn vốn thực hiện dự án theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát phân kỳ vốn đầu tư phù hợp khả năng cân đối vốn đầu tư công của ngân sách tỉnh theo Quyết định số 2806/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 và thời gian bố trí vốn theo nhóm dự án để trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định”, Sở Tài chính đề nghị.