Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên phải) tham dự cuộc họp ba bên tại Cung điện Elysee ở Paris vào ngày 6/5/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc tại Pháp. Ảnh: Reuters |
EU đưa ra lập trường quyết đoán hơn
Trong các cuộc gặp ở Paris vào ngày 6/5, Tổng thống Pháp Macron cũng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng của mình với Nga để chấm dứt chiến sự ở Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm với việc bắt đầu chuyến thăm Pháp vào ngày 5/5.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc diễn ra vào thời điểm căng thẳng kinh tế ngày càng gia tăng, trong đó Liên minh châu Âu tiến hành điều tra các ngành công nghiệp của Trung Quốc như xuất khẩu xe điện, còn Bắc Kinh điều tra nhập khẩu rượu mạnh do Pháp sản xuất.
Liên minh châu Âu "không thể hấp thụ tình trạng sản xuất quá mức hàng hóa công nghiệp Trung Quốc đang tràn ngập thị trường của mình", Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, cho biết sau khi EU, Pháp và Trung Quốc có cuộc hội đàm ba bên tại Cung điện Elysee, thủ đô Paris.
Chủ tịch EC khẳng định: "Châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết để bảo vệ thị trường của mình". Bà Ursula von der Leyen nói thêm, mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc bị tổn hại do tiếp cận thị trường không bình đẳng và do trợ cấp của nhà nước Trung Quốc.
Phát biểu sau đó cùng với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Macron nói với báo giới rằng: "EU ngày nay có thị trường cởi mở nhất thế giới... nhưng chúng tôi muốn có thể bảo vệ thị trường đó".
Chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình sẽ được Mỹ theo sát trong bối cảnh sự ủng hộ của châu Âu đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ có dấu hiệu suy giảm. Nhưng lần này, lập trường quyết đoán hơn của EU trong vấn đề thương mại với Trung Quốc là phù hợp với cách tiếp cận của Washington.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Bắc Kinh rằng Washington sẽ không chấp nhận các ngành công nghiệp mới bị hàng nhập khẩu của Trung Quốc "tàn phá".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong cuộc hội đàm được tổ chức kín, ông Tập Cận Bình đã nhất trí rằng những xung đột về kinh tế và thương mại cần được giải quyết thông qua đối thoại.
Chủ tịch Trung Quốc nói với Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC rằng vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc "không tồn tại từ góc độ lợi thế so sánh hay xét đến nhu cầu toàn cầu", truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Ông Tập Cận Bình cho biết thêm Trung Quốc và Pháp sẽ nỗ lực tái cân bằng thương mại từ đầu nhưng không đề cập thông tin chi tiết.
Trong khi Tổng thống Pháp đưa ra rất ít thông tin chi tiết và Chủ tịch Trung Quốc không đề cập đến điều đó, một nguồn tin ngoại giao Pháp được Reuters dẫn lời cho hay, điều này có nghĩa là không có thuế quan hoặc thuế nhập khẩu cho đến khi cuộc điều tra kết thúc, nhưng không loại trừ các biện pháp sau khi kết thúc điều tra.
"Ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh mới"
Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết ông Tập Cận Bình dường như đã nhận diện được những lo ngại về sự mất cân bằng thương mại, đồng thời nói thêm rằng mục tiêu của chuyến thăm là truyền tải thông điệp. Các nguồn tin ngoại giao này cho rằng liệu có bất kỳ hành động nào tiếp theo hay không là vấn đề còn phải xem xét.
Trong những bình luận ngắn gọn trên truyền hình trước khi diễn ra một trong những cuộc gặp với Tổng thống Macron, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi người đồng cấp cùng ông thể hiện "sự độc lập" và "ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh mới" giữa các khối.
"Chúng ta cần hướng tới tương lai và cùng nhau hợp tác vì một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự", Chủ tịch Trung Quốc nói, đồng thời kêu gọi Tổng thống Macron tham gia cùng ông để phản đối việc "phân tách" chuỗi cung ứng của Trung Quốc và các nền kinh tế khác.
27 quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Pháp và Đức, không thống nhất quan điểm đối với Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết, trong khi Paris ủng hộ đường lối cứng rắn hơn dối với cuộc điều tra xe điện Trung Quốc thì Berlin lại muốn tiến hành một cách thận trọng hơn.
Theo Reuters, một số quan chức chính phủ Pháp bày tỏ lo ngại riêng rằng Đức sẽ tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra xe điện vốn nhắm vào các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD, Geely và SAIC. Trung Quốc là thị trường trọng điểm đối với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Đức và các nhà sản xuất ô tô như BMW và Mercedez-Benz.
Pháp cũng đang hối thúc Trung Quốc mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu nông sản của Pháp và giải quyết các vấn đề xung quanh mối lo ngại của ngành mỹ phẩm Pháp về quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Jean-Paul Agon, Chủ tịch hãng mỹ phẩm khổng lồ L'Oreal của Pháp, phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Trung rằng: "Chúng tôi, các công ty và cơ quan chức năng của Pháp và Trung Quốc, liên tục trao đổi với nhau". "Điều quan trọng là mong muốn chung của chúng tôi là tìm ra giải pháp và cùng nhau tiến về phía trước", đại diện L'Oreal nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc có thể công bố đơn đặt hàng khoảng 50 máy bay Airbus trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Sau Pháp, Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm Serbia và Hungary - cả hai quốc gia này được xem là thân thiện với Trung Quốc và nhận mức đầu tư đáng kể của Trung Quốc.