Điểm nóng
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội): Buông lỏng quản lý
Bảo Như - 27/11/2020 09:46
BQL Đường sắt đô thị Hà Nội chịu trách nhiệm với hàng loạt sai phạm trong quản lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu xây lắp tại Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội.
Nhà thầu đang gấp rút thi công Ga ngầm S9 trên tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội).

Lỏng tay quản lý

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào giữa tuần trước, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Thông báo số 2020/TB - TTCP  thông báo kết luận thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) (gọi tắt là Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội)

Ngoài việc thông báo kết luận thanh tra, Thông báo số 2020 còn truyền đạt ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với các đơn vị, cá nhân liên quan.

Được biết, từ tháng 7/2016 đến tháng 5/2017, ông Lương Quốc Bình, nguyên Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã liên tục gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tố cáo một loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật của đơn vị quản lý dự án. 

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra một số nội dung mà ông Bình phản ánh, trong đó chủ yếu liên quan tới việc thực hiện hợp đồng với đơn vị tư vấn Dự án là Systra (Pháp). Do không nhất trí với kết luận của UBND TP. Hà Nội, ông Bình tiếp tục gửi đơn tố cáo tới Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ. Vào ngày 17/2/2017, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra Dự án theo nội dung tố cáo.

Đến tháng 4/2018, sau 6 tháng thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 506/KL - TTCP. Bản kết luận thanh tra này sau đó đã được Văn phòng Chính phủ gửi xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan. 

Trong các nội dung tố cáo được Thanh tra Chính phủ xác định là có cơ sở, nổi cộm nhất là việc đơn vị quản lý dự án tiến hành ký Phụ lục số 2 để điều chỉnh hợp đồng trọn gói cho tư vấn Systra tăng thêm 6,5 triệu euro vào năm 2014.

Theo Thông báo số 2020, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên. Cụ thể, trong nội dung của hợp đồng trọn gói đã có sự bất cập, thiếu sót, nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến việc hiểu khác nhau giữa các bên. Ngoài ra, việc hiểu nghĩa nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh của các bên cũng có những điểm khác biệt.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có quy mô vốn lớn và phức tạp, nhưng hợp đồng tư vấn chỉ xác định thời gian 25 tháng, với tổng giá trị khoảng 10,6 triệu euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện.

Trên thực tế, trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã phải ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Lần điều chỉnh giá hợp đồng được thực hiện năm 2014 đã “nới” từ 10,6 triệu euro lên 17,12 triệu euro cũng chính là lần bị ông Bình tố cáo là vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.

Tại Thông báo 2020, Thanh tra Chính phủ cho biết, qua rà soát các nguyên nhân, việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng tư vấn bao gồm phần chi phí ngoài phạm vi nhiệm vụ; phần chi phí thuộc các trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Hợp đồng số 01 - TVTHDA ngày 22/11/2007 và phần chi phí trong phạm vi nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi lập, thẩm định, phê duyệt dự toán bổ sung, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã không xác định cụ thể các khoản chi phí này. Mặt khác, quá trình thương thảo điều chỉnh hợp đồng tư vấn, chủ đầu tư không làm rõ trách nhiệm của Systra trong việc chậm trễ để xác định chi phí và giảm trừ khi lập dự toán bổ sung.

“Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ và tập thể, cá nhân liên quan”, Thông báo số 2020 nêu rõ.

Đối với nội dung vi phạm này, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội với vai trò chủ đầu tư dự án xác định rõ từng khoản chi phí cụ thể trong hợp đồng tư vấn; đồng thời rà soát lại trách nhiệm của Systra trong việc thực hiện hợp đồng trọn gói trước khi điều chỉnh, để xác định chi phí vật chất thuộc trách nhiệm phần lỗi của đơn vị tư vấn và thực hiện giảm trừ khi quyết toán.

Đảm bảo quyền lợi cho người tố cáo

Thanh tra Chính phủ cũng ghi nhận, nội dung tố cáo việc triển khai gói thầu về rà phá bom mìn, vật nổ đoạn cầu cạn và khu vực depot do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thực hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở.

Tại Kết luận số 605, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc tổ chức giám sát, nghiệm thu của chủ đầu tư tại gói thầu rà phá, xử lý bom mìn còn thiếu chặt chẽ; hồ sơ hoàn công không đảm bảo chất lượng; không phù hợp và tuân thủ phương án kỹ thuật thi công được duyệt. Đặc biệt, dù phương án thi công gói thầu này đã thay đổi dẫn đến khối lượng thay đổi, nhưng các khối lượng nghiệm thu trong hồ sơ lại vẫn giữ như phương án được duyệt trước đó.

Trong Thông báo số 2020, Thanh tra Chính phủ một lần nữa xác nhận, đến thời điểm thanh tra (tháng 5/2017), công tác nghiệm thu, thanh toán gói thầu này vẫn chưa hoàn thành do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công; hồ sơ hoàn công chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế và phương án kỹ thuật được phê duyệt.

Những vi phạm nói trên, theo Thanh tra Chính phủ là vi phạm khoản 4, Điều 32, Điều 33, Điều 44 Quyết định số 95/2003/QĐ - BQP ngày 7/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành quy trình dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ.

“Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ; Bộ Tư lệnh Công binh - cơ quan chủ quản nhà thầu; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô và đơn vị thi công gói thầu này”, Thông báo số 2020 nêu rõ.

Một nội dung tố cáo khác được Thanh tra Chính phủ tái xác nhận là có cơ sở liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 3 - thi công hầm và các ga ngầm, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội và nhà thầu JV ký hợp đồng thi công gói thầu số 3 khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu để thi công. Nhà thầu JV đề nghị bổ sung chi phí vào giá hợp đồng dựa trên “Kế hoạch thi công sơ bộ” đã được xây dựng trên các mốc thời gian bàn giao mặt bằng công trình và đã được chứng thực.

Cho đến thời điểm thanh tra, Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng cho nhà thầu thi công Gói thầu số 3. Hiện các ga số 9, 10, 11 đang điều chỉnh quy hoạch, nên chủ đầu tư cũng chưa thể bàn giao mặt bằng như kế hoạch đã định cho nhà thầu.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, chủ dự án tiến hành ký Hợp đồng HPLML/CP03 với nhà thầu khi chưa có mặt bằng đã dẫn đến việc nhà thầu yêu cầu phải bổ sung chi phí với giá trị khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đã vi phạm khoản 3, Điều 64, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Thông báo số 2020, Thanh tra Chính phủ xác nhận đối với nội dung tố cáo liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 6 về hệ thống đường sắt 1 có dấu hiệu vi phạm là chưa đủ cơ sở. Gói thầu số 6 chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng sơ tuyển là Liên danh Alstom - Colas - Thales. Thanh tra Chính phủ ghi nhận, do đây là gói thầu có phát sinh tình huống phức tạp, giá dự thầu vượt giá gói thầu được phê duyệt. Khi phát sinh tình huống đấu thầu, chủ đầu tư đã có văn bản xin ý kiến của các cấp, ngành liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, UBND TP. Hà Nội, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo, ý kiến của các cấp, ngày 10/1/2017, Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội đã phê duyệt dự toán Gói thầu số 6 với giá gói thầu là 265,494 triệu euro. Ngày 14/1/2017, đơn vị này đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, theo đó, liên danh Alstom - Colas - Thales đã trúng thầu, giá trúng thầu là 265,291 triệu euro và 943 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, Thanh tra Chính phủ vẫn cho rằng, một số nội dung trong báo cáo của chủ đầu tư chưa nhất quán và rõ ràng như hình thức đấu thầu rộng rãi hay hạn chế; số lần xử lý tình huống; số lần chào giá; số lần đề xuất tài chính… dẫn đến nảy sinh nhiều ý kiến.

Một điều đáng ghi nhận là, tại Thông báo số 2020, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác, đảm bảo quyền lợi cho ông Lương Xuân Bình.

“UBND TP. Hà Nội tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến sai phạm. Căn cứ kết quả kiểm điểm có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao”, Thông báo số 2020 nêu rõ.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội (đoạn Nhổn-ga Hà Nội)

1. Cấp quyết định đầu tư: UBND TP. Hà Nội.

2. Chủ đầu tư: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội

3. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án

4. Tổ chức Tư vấn lập dự án: Công ty Systra S.A (Pháp)

5. Quy mô, công suất: Xây dựng tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km.

6. Thời gian thực hiện dự án: Năm 2009 - năm 2022.

7. Nguồn vốn đầu tư: Dự án được tài trợ từ nguồn vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ (Chính phủ Pháp; Cơ quan Phát triển Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á) và nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách TP. Hà Nội.

8. Tổng mức đầu tư: 1.176 triệu Euro (vốn vay ODA là 899,68 triệu Euro, vốn đối ứng là 276,02 triệu Euro).
Tin liên quan
Tin khác