Hàng ngàn tấn vật tư Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang rỉ sét vì phơi mưa nắng |
Bí lối
Sự bế tắc là điều có thể nhận thấy nếu chiểu theo các ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan đến phương án sử dụng vật tư, thiết bị đã mua sắm, nhưng chưa sử dụng vào công trình thuộc Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất hồi đầu tháng 4/2019.
Cụ thể, với hy vọng là tìm lối ra cho một phần tài sản đang phải đắp chiếu từ 10 năm nay, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận điều chuyển số lượng ray và phụ kiện liên kết đồng bộ đã mua sắm cho Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để sử dụng tại 4 dự án cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Các vật tư, thiết bị còn lại (gồm tà vẹt và ghi) chưa được điều chuyển do không đồng nhất về khổ đường, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng tiếp tục giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trông coi bảo quản bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ hồi cuối năm 2017.
Đối với khoản kinh phí thu được (ước tính khoảng 375 tỷ đồng) khi đưa số lượng ray và phụ kiện liên kết đồng bộ vào 4 dự án, Bộ GTVT đề nghị giao Bộ nghiên cứu để đầu tư thêm một số hạng mục công trình tương tự trên tuyến Hà Nội - TP.HCM.
“Trong trường hợp đề xuất được chấp thuận, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn thủ tục điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án; Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn cơ chế xử lý đối với số vật tư, thiết bị điều chuyển nêu trên làm cơ sở để Bộ GTVT rà soát, xây dựng cơ chế cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị.
Tuy nhiên, tại Công văn số 3250/BKHĐT - KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ vào giữa tháng 5/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, pháp luật về đấu thầu và đầu tư công hiện nay không có quy định về việc điều chuyển vật tư, thiết bị, hàng hóa giữa các dự án đầu tư công. Do đó, không có căn cứ pháp lý để Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý về kiến nghị trên của Bộ GTVT.
Liên quan đến việc điều chuyển kế hoạch vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cả 4 dự án đường sắt quan trọng cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Trường hợp sử dụng nguồn vốn của các dự án này để thực hiện cho công trình khác cần phải được sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, với tư cách là cơ quan chủ quản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đơn vị chịu trách nhiệm trông coi, bảo trì khối vật tư, thiết bị này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, phương án đề xuất của Bộ GTVT còn chung chung, thông tin số liệu đều ở dạng dự kiến mà không có tài liệu kèm theo, đặc biệt là tính đồng bộ và khả năng sử dụng các vật tư cho dự án mới, nhất là khi cả 4 dự án đều mới chỉ được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa rõ về công nghệ áp dụng.
Vạ vật tài sản ngàn tỷ
Việc các bộ, ngành liên quan chưa tìm được tiếng nói chung sẽ đẩy khối vật tư chuyên dụng đắt tiền tại Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân tiếp tục rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Ông Hồ Hữu Hòa, thành viên HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay vật tư, thiết bị nhập về chưa sử dụng của Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang được quy xếp thành từng cụm lớn tại bãi hàng các ga Đông Triều, Chí Linh, Yên Dưỡng. Các thanh gỗ kê đã bị mục, gãy; các thanh ray, lõi nhựa chôn trong tà vẹt do ảnh hưởng của thời tiết và tác động của môi trường trong thời gian dài đã bị biến dạng. Cũng do xếp thành các đống lớn nên đơn vị trông coi cũng không thể định lượng chính xác chất lượng phần lớn ray, tà vẹt kể từ khi được chủ đầu tư mua về từ năm 2009.
“Đề nghị Bộ GTVT cho phép Tổng công ty tiến hành cẩu đảo, bảo dưỡng và thuê đơn vị có chức năng kiểm định, đánh giá chất lượng từng loại vật tư, thiết bị đã mua sắm nhưng chưa sử dụng tại Dự án”, ông Hòa đề nghị.
Được biết, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 75/CP-CN ngày 9/1/2004 với tổng chiều dài 131 km (trong đó có 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ); điểm đầu Dự án từ tim ga Yên Viên và điểm cuối là bãi xếp dỡ của cảng Cái Lân. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư trước đây của Dự án (Cục Đường sắt Việt Nam) đã triển khai ký Hợp đồng với các nhà thầu để cung cấp vật tư thiết bị (ray, ghi, tà vẹt, các loại phụ kiện liên kết đồng bộ) từ năm 2007 - 2009.
Tuy nhiên, đến năm 2011, Dự án phải dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn nên các vật tư thiết bị đã mua sắm nêu trên chưa được sử dụng, lắp đặt hết vào công trình (đến nay vẫn phải trông coi bảo quản).
Điều đáng chú ý nữa là hầu như các gói thầu của các tiểu dự án đều đang tạm dừng, song kinh phí trông coi bảo quản vật tư chưa sử dụng của Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt bổ sung đến hết năm 2016. Đến nay, thời gian trông coi bảo quản vật tư theo quy định hợp đồng đã hết hạn. Để đảm bảo vật tư thiết bị đã mua liên tục được trông coi bảo quản, không bị mất và hư hỏng, cuối năm 2016 đến nay, Ban QLDA đường sắt đã có nhiều văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn để thực hiện trông coi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được bố trí vốn.
Do không được bổ sung kinh phí nên nhà thầu trông coi bảo quản vật tư đã nhiều lần có văn bản xin chấm dứt hợp đồng, không ứng kinh phí để thay bạt phủ ray tại các bãi ray ngoài hiện trường...
Như vậy, trong khi chưa sinh lợi được đồng nào để góp phần hoàn vốn gốc, lãi cho hơn 4.322 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ đã tiêu vào Dự án suốt 8 năm qua, hàng loạt cấu kiện bê tông, thép… chơ vơ giữa sông, giữa đồng đang xuống cấp từng ngày. Bên cạnh đó, tại một số đoạn nền đường sắt đã đắp dở dang, hệ thống hầm chui, đường gom dân sinh, cống thoát nước chưa được hoàn chỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội trong khu vực tuyến đi qua.
Trong suốt 9 năm qua, Bộ GTVT nhiều lần cố gắng làm “sống lại” Dự án với việc kiến nghị Chính phủ tái cấp vốn đầu tư cho công trình, hoặc cho phép kêu gọi đầu tư hoàn thành các đoạn dang dở bằng nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Tính toán mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, để tiếp tục hoàn thành Dự án, cần phải bố trí thêm 6.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2022 để làm xong 3 tiểu dự án còn lại do thay đổi giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công. Đây là khoản kinh phí quá lớn, vượt khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Hiện trên tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ duy trì 1 đôi tàu/ngày, nhưng rất vắng khách. Đơn vị đang khiến nghị Nhà nước phải bù lỗ để chạy đôi tàu an sinh này vào khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Hàng ngàn tấn vật tư Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang rỉ sét vì phơi mưa nắng