Ngân hàng - Bảo hiểm
Dư địa chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp không nhiều
Thùy Liên - 26/05/2016 08:28
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 khiến cộng đồng DN kỳ vọng rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ tới đây sẽ dễ thở hơn với DN. Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, dư địa của các chính sách này không còn nhiều.

Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế quý I/2016 có dấu hiệu sụt giảm, gần đây, Chính phủ đã kêu gọi ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ DN và một số ngân hàng đã hưởng ứng lời kêu gọi này. Liệu lãi suất có thể giảm thêm trong thời gian tới?

Từ cuối năm ngoái đến nay, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, lãi suất hạ là rất khó, nếu không nói là phải tăng ít nhiều. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), bằng các công cụ tiền tệ, giữ được mặt bằng lãi suất cho vay ổn định đã được coi là thành công.

Lãi suất cho vay khó hạ là do, dù lạm phát năm nay có thể giữ được mục tiêu dưới 5%, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức lạm phát năm 2015. Những áp lực từ bên ngoài đến với tỷ giá và lãi suất vẫn còn, đó là nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng USD và Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Việc giảm lãi suất phải dựa trên cân đối tiền huy động của ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư tài chính khác như: chứng khoán, bất dộng sản có sự phục hồi nhất định.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Ngoài ra, về chính sách tài khóa, Việt Nam vẫn đang phải phát hành rất nhiều trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách, đầu tư, trả nợ. Đặc biệt, mức phát hành trái phiếu chính phủ năm nay nhiều hơn năm 2015 đáng kể. Chính việc phát hành trái phiếu chính phủ quá nhiều đã đẩy lãi suất trung và dài hạn tăng lên, đồng thời khiến một phần nguồn tiền dành cho tín dụng bị co hẹp.

Tóm lại, nếu nhìn một cách tổng thể, chính sách tiền tệ hiện nay vừa phải gánh trách nhiệm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô. Cho nên, hạ lãi suất năm nay là rất khó khăn.

Thế nhưng, việc một số ngân hàng tiên phong hạ lãi suất thời gian qua theo yêu cầu của NHNN chứng tỏ hạ lãi suất không hẳn là mong muốn “bất khả thi”?

Có 3 nguyên nhân khiến ngân hàng có thể giảm được lãi suất trong bối cảnh hiện nay: nỗ lực của bản thân các ngân hàng thương mại trong cắt giảm chi phí quản lý, chi phí hoạt động; nỗ lực của NHNN trong giảm nợ xấu (nợ xấu tăng thì tín dụng và lãi suất không thể giảm); NHNN có thể có một số biện pháp, bằng những công cụ tiền tệ để giảm chi phí cho ngân hàng thương mại (giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc), hoặc thời gian tới, chính sách tiền tệ và tài khóa phải phối hợp chặt chẽ tốt hơn.

Nhưng tôi cho rằng, muốn cắt giảm lãi suất bền vững, cần phải dựa vào thị trường, mọi mệnh lệnh hành chính đều chỉ mang tính nhất thời. Và nếu kéo dài biện pháp hành chính thì sẽ tạo những khó khăn về sau, khiến thị trường bị méo mó. Nói cách khác, một số ngân hàng hạ lãi suất là tín hiệu tích cực, song tốt nhất là chúng ta cần phải ổn định được kinh tế vĩ mô, để hạ lãi suất xuất phát từ thị trường thay vì mệnh lệnh hành chính.

Nếu không hỗ trợ được DN về lãi suất, chúng ta còn dư địa nào để hỗ trợ DN, theo tinh Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 vừa được ban hành, thưa ông?

Phải thẳng thắn thừa nhận là dư địa của chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ DN không còn nhiều nữa. Việc lớn nhất chúng ta có thể làm để hỗ trợ DN hiện nay là làm sao tạo được lòng tin vào sản xuất - kinh doanh, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế. Nguồn lực trong dân còn rất lớn, chỉ khi người dân tin, họ mới tiêu dùng, đầu tư.

Điều này có nghĩa, chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính, gắn với thực hiện Nghị quyết 35, gắn với quá trình sửa đổi luật pháp Việt Nam, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nỗ lực thực hiện các cam kết hội nhập. Các cam kết này chính là cải cách, tạo dựng môi trường kinh doanh, cũng chính là cơ hội kinh doanh cho DN, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Làm được điều này, chúng ta sẽ khơi dậy được nguồn lực của cả bên trong và bên ngoài, của cả người dân và DN. Đây chính là con đường để chúng ta phục hồi bền vững nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác