Ngân hàng - Bảo hiểm
Dư địa giảm tiếp lãi suất không còn nhiều, giảm nữa có thể gây đảo chiều dòng vốn
T.L - 26/05/2023 12:17
TS. Nguyễn Hữu Huân, (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, trong bối cảnh sức cầu yếu như hiện nay, việc giảm lãi suất chưa tác động nhiều đến sức khỏe doanh nghiệp. Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là phải kích cầu.
TS. Nguyễn Hữu Huân

Đánh giá cao động thái cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay, song TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành chưa thể tác động tích cực ngay đến nền kinh tế, mà cần độ trễ ít nhất vài quý tới.

“Phải sang quý III, IV/2023 may ra nền kinh tế mới có dấu hiệu khởi sắc. Ngân hàng hạ lãi suất nhưng thị trường không có, đầu ra và đơn hàng chưa có thì doanh nghiệp cũng không biết vay tiền để làm gì. Chính vì vậy, tôi cho rằng, chính sách tiền tệ đã có độ bão hòa nhất định, không còn nhiều dư địa thời gian tới. Giai đoạn này cần tập trung vào chính sách tài khóa, kích cầu, đặc biệt là phải kích cầu vào khu vực công, bởi khu vực tư nhân hiện nay đang rất yếu. Hiện giải ngân đầu tư công, chi tiêu công gặp nhiều vướng mắc bởi tâm lý sợ trách nhiệm, song nếu không đẩy mạnh giải ngân, rất khó kích cầu nền kinh tế”, TS. Huân nhận định.

Trong bối cảnh cầu yếu như hiện nay, chuyên gia này cho rằng, giảm lãi suất không phải là yếu tố quyết định. Nếu lãi suất giảm mà công tác mở cửa thị trường, cải cách môi trường kinh doanh… không có biến chuyển thì doanh nghiệp cũng sẽ khó vực dậy. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Mức độ giảm lãi suất điều hành 0,5% lần này, theo các chuyên gia là hợp lý, không gây cú sốc cho người gửi tiền cũng như hệ thống ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế.

Mặc dù lãi suất điều hành còn có thể giảm thêm, song theo TS. Nguyễn Hữu Huân, dư địa giảm không còn nhiều, tối đa chỉ còn khoảng 1% nếu tình hình thuận lợi.

“Lãi suất giảm nhiều hơn có thể gây ra rủi ro đảo chiều dòng vốn. Theo tôi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay phải tập trung chính sách tài khóa: đẩy mạnh chi tiêu công, giảm thuế GTGT cho người dân để kích cầu.  Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đồng bộ, hỗ trợ nhau mới tạo hiệu quả. Nếu hai cánh kéo mà một bên kéo, một bên nghỉ thì rất khó kéo tăng trưởng nền kinh tế", TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành từ 25/5 là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn chongười vay vốn ngân hàng.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; trong nước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản cùng xu hướng giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao. Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan
Tin khác