Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 10-14/2 (tức ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), toàn tỉnh đã đón trên 800.000 lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường khách quốc tế khởi sắc với gần 109.000 lượt khách.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử là điểm đến tâm linh thu hút đông du khách. Ảnh: Trung tâm TT-VH TP Uông Bí |
Các điểm đến văn hóa tâm linh của tỉnh tiếp tục là trọng điểm thu hút du khách, lượng khách đến tăng từ 6-8 lần so với ngày thường. Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí) đón trên 62.000 lượt khách; đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả) đón trên 76.000 lượt khách; Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX. Đông Triều) đón gần 57.500 lượt khách...
Dự kiến trong quý I/2024, lượng khách hành hương đến Quảng Ninh đạt trên 2 triệu lượt, cao điểm vào các ngày cuối tuần hoặc khai hội tại các đền, chùa.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại TP. Móng Cái dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: Trung tâm TT-VH TP Móng Cái |
Dịp này, các điểm du lịch nổi tiếng, khu vui chơi giải trí cũng đón lượng khách tăng từ 40-50%, như: Vịnh Hạ Long đón trên 46.000 lượt khách, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt trên 36.000 lượt; Bảo tàng Quảng Ninh đón trên 4.200 lượt khách...
Đặc biệt, ngay trong ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, Quảng Ninh đã đón nhiều đoàn khách lớn. Đó là, đoàn 298 du khách từ Đài Loan, Hàn Quốc đến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long “xông đất”, tham quan Vịnh Hạ Long ngày mùng 1 Tết. Tiếp đó, cũng trong ngày mùng 1 Tết, Sở Du lịch và TP. Hạ Long đã tổ chức đón hơn 300 du khách quốc tế đến từ Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc. Tại TP. Móng Cái, ngay trong ngày mùng 1, đã có gần 1.000 khách du lịch nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Đến ngày 13/2 (tức ngày mùng 4 Tết), Quảng Ninh tiếp tục đón tàu biển Zhao Shang Yi Dun chở 600 du khách đến từ Trung Quốc cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trong năm mới Giáp Thìn 2024.
Tại Hải Phòng, thông tin từ Sở Du lịch, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (8-14/2), Thành phố đã đón và phục vụ khoảng 125.800 lượt khách du lịch (tăng 46% so với Tết Quý Mão 2023). Trong đó, có khoảng 16.800 lượt khách quốc tế (tăng 64%) và 107.200 lượt khách nội địa. Theo đánh giá, số lượt khách đến Hải Phòng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng tương đối cao so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Các hoạt động văn hóa thể thao chào xuân Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố đã được chuẩn bị chu đáo. Ảnh: Đức Nghĩa |
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thành phố cũng đã chuẩn bị các chương trình văn hóa, thể thao đặc sắc với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân chào đón xuân mới.
Tâm điểm của các hoạt động có thể kể đến như: Chương trình biểu diễn văn nghệ “Chào xuân Giáp Thìn 2024” trong đêm giao thừa đón xuân mới tại sân trước Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt Tiệp và Quảng trường Nhà hát thành phố trước và trong thời điểm cả Hải Phòng rực rỡ trong màn pháo hoa trong thời khắc giao thừa.
Bên cạnh đó, trong các ngày từ 11/2 (mùng 2 Tết) đến ngày 15/2 (mùng 6 Tết), trên suốt dải công viên trung tâm của thành phố Hải Phòng đã và sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động như: biểu diễn nghệ thuật đường phố tại sân Cột cờ Quảng trường Nhà hát thành phố và Bờ hồ Tam Bạc; thi đấu cờ vua, cờ tướng, biểu diễn võ thuật, biểu diễn lân - sư - rồng tại Quảng trường Nhà hát thành phố; biểu diễn nghệ thuật kịch nói, múa rối, chèo tại vườn hoa Nguyễn Du; các hoạt động nghệ thuật Thư pháp Hán Nôm; nghệ nhân nặn tò he; trò chơi dân gian truyền thống ô ăn quan, nhảy sạp, nhảy dây, cờ tướng; trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật... cũng thu hút đông đảo khán giả tham dự.
Không khí náo nhiệt vui xuân không chỉ diễn ra ở trung tâm thành phố mà trong thời gian này, trên khắp các quận, huyện ở Hải Phòng đều tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống thu hút đông đảo người dân tham gia. Đơn cử như lễ hội bơi trải Đền, Chùa Ngọ Dương - Di sản phi vật thể cấp Quốc gia tại xã An Hòa, huyện An Dương; Hội đua thuyền Rồng tại quận Đồ Sơn.
Hội đua thuyền Rồng tại quận Đồ Sơn |
Từ 15/2 (mùng 6 Tết), diễn ra Lễ khai bút đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại Quảng trường khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Từ 15/2 đến ngày 17/2 đến hết ngày 24/2, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy cũng diễn ra lễ hội Khai bút đầu năm.
Tiếp đó, từ 17/2 đến hết ngày 24/3, diễn ra lễ hội khai bút đầu xuân và Hội thi viết thư pháp tại đền thờ Trạng Nguyên Lê Ích Mộc tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên... và hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao khác.
Từ 15/2 đến ngày 16/2/2024, tại Di tích quốc gia đình làng Vĩnh Khê, thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương diễn ra lễ hội Vật cổ truyền làng Vĩnh Khê - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, hứa hẹn thu hút đông đảo người xem như mọi năm trước đây.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, các hoạt động văn hóa, thể thao chào xuân Giáp Thìn là dịp để cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực học tập, lao động sản xuất, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cũng như mảnh đất, con người Hải Phòng đến với du khách, các doanh nghiệp.
Còn tại tỉnh Hải Dương, dịp Tết Giáp Thìn, di tích, danh thắng lớn ở Hải Dương đã đón 277.500 du khách tới tham quan. Di tích đông nhất phải kể đến là Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP. Chí Linh) khi chứng minh được sức hút ngày càng lớn của một di tích đang trong hành trình trở thành di sản thế giới đã đón hơn 120.000 lượt du khách đến. Đặc biệt, nét mới ở di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay là du khách đến với di tích được phát lộc đầu xuân gồm 1 gói muối may mắn, được tham gia trải nghiệm tự tay mình viết thư pháp; làm những đóa hoa sen, hoa mai, hoa đào từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường; được thưởng thức trà sen Kiếp Bạc, trà cúc Côn Sơn là những vật phẩm tinh túy từ vùng đất linh thiêng Côn Sơn - Kiếp Bạc; được trải nghiệm đọc sách trong khuôn viên di tích; được ghi ước nguyện đầu năm gửi gắm hy vọng một năm mới tốt lành.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đón 120.000 lượt khách đến du xuân. Ảnh: Thành Chung |
Ngoài ra là quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) đón khoảng 60.000 lượt khách. Hai di tích quốc gia đặc biệt là Văn miếu Mao Điền và cụm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (Cẩm Giàng) đón gần 35.000 vạn lượt du khách. Di tích Đền Tranh (Ninh Giang) đón khoảng 40.000 du khách...
Nhiều người dân, du khách đến đền Tranh tham quan, chiêm bái. Ảnh: Hồng Nhung |
Một số di tích khác ở Chí Linh như đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền Sinh, đền Hoá, đền Cao An Lạc đón khoảng 16.000 lượt du khách. Khoảng 6.500 lượt du khách đến tham quan khu du lịch đảo Cò (Thanh Miện).
Bên cạnh du khách nội địa, Hải Dương còn là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà không thu hút bởi cảnh đẹp về kiến trúc của di tích mà thu hút bởi chính di sản múa rối nước. Ngày mùng 4 Tết, đoàn khách nước ngoài quốc tịch Anh, Pháp, Australia, Canada... đã đến tham quan và thưởng thức những tiết mục múa rối nước được biểu diễn ngay tại thủy đình ở trung tâm xã. Trải nghiệm cảm giác về vùng nông thôn Hải Dương, hòa mình cùng người dân địa phương xem các tích trò rối nước phản ánh những nét đẹp làng quê Việt, đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân Việt Nam sẽ là kỷ niệm đẹp với các vị khách quốc tế trong hành trình du Xuân khám phá vẻ đẹp Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền.