Phát triển hệ sinh thái thông minh và đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp du lịch Việt thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế |
Để không bị thua ngay trên “sân nhà”
Khoảng 5 năm trước khi Covid-19 ập đến, Việt Nam chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử trong lĩnh vực du lịch, qua đó cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ năm 2015 đến năm 2019, tại Việt Nam, việc tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng tăng hơn 32 lần. Có tới 88% khách du lịch nội địa thực hiện tra cứu thông tin qua mạng. Trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, hiệu quả từ hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trong giai đoạn này chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi 80% thị phần du lịch trực tuyến ở Việt Nam thời điểm đó thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài như Agoda.com,
Qua việc cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau nâng cấp hệ thống, chúng ta sẽ thường xuyên nâng cấp, tăng số lượng nhà cung cấp, mở rộng đối tượng sử dụng, áp dụng các loại thẻ Việt, thẻ du lịch Việt ở mọi nơi, không phụ thuộc vào các nhà trung gian nước ngoài nữa.
- Ông Ngô Minh Đức, sáng lập nền tảng Gotadi
Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com... Các OTA của Việt Nam như Vinabooking.vn, Chudu24.com, Ivivu.com, VNTrip, Mytour.vn, Gotadi... chỉ chiếm 20% thị phần, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, lượng giao dịch khá khiêm tốn.
Ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel chỉ ra rằng, không chỉ ở giai đoạn trước, mà hiện thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn đang nằm trong tay các hãng nước ngoài. Doanh nghiệp Việt đang thua trên “sân nhà”, do yếu và thiếu nguồn lực.
“Khoảng 95% công ty lữ hành Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn và nhân lực đều có hạn, nên không tiếp cận hoặc không thể mua được các phần mềm, ứng dụng hiện đại nhất; không thể hợp tác được với tất cả cơ sở lưu trú, hãng vé máy bay tại Việt Nam, chứ chưa nói đến ở nước ngoài, cũng không đủ lực ‘ôm’ những series vé máy bay, phòng khách sạn lớn để có giá tốt”, ông Khánh chia sẻ.
Nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tại Việt Nam phải trả 30% hoa hồng cho các trang OTA nước ngoài, thậm chí cao hơn, ông Ngô Minh Đức, sáng lập nền tảng Gotadi thừa nhận, đó là “nỗi đau” của các chủ khách sạn, vì “có bao nhiêu lợi nhuận, thì các trang OTA nước ngoài hưởng hết”.
Bởi vậy, theo ông Đức, phải làm chủ được công nghệ thông tin, thì doanh nghiệp du lịch Việt Nam mới cạnh tranh, đứng vững và phát triển được trên “sân nhà”. Đây cũng là lý do ông Đức đầu tư nền tảng OTA, cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến đa dạng, từ đặt vé máy bay, tour du lịch đến các gói combo phục vụ doanh nghiệp, du khách Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết, chuyển đổi số là giải pháp giúp họ vượt qua “sóng thần” Covid-19. Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam chia sẻ, nhờ ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp từ cuối năm 2019, hiệu quả công việc đã được nâng lên. Ví dụ, trước kia, với 100 booking, hãng lữ hành này cần 10 nhân viên xử lý trong 1 ngày, thì nay chỉ cần 2 nhân viên và họ có thể làm ở nhà nếu muốn. Đặc biệt, ông Tuyên cho biết, trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân viên của Travelogy Việt Nam vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu và giới thiệu sản phẩm phù hợp.
“Thuật toán cho thấy, khách hàng của Travelogy Việt Nam thường xuyên tìm hiểu dịch vụ vào buổi tối, nên chúng tôi bố trí nhân viên tư vấn trực vào thời gian này. Nhờ đó, khi không bán tour du lịch, Công ty có thể cung cấp dịch vụ như thuê xe, tổ chức sự kiện... cho khách”, ông Tuyên tiết lộ.
Xu hướng không thể đảo ngược
Khi “miếng bánh” thị phần du lịch trực tuyến ngày càng phình to, chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, các địa phương, điểm đến cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Tourism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo...
Gần đây nhất, tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào hoạt động ứng dụng du lịch thông minh MobiFone Smart Travel dựa trên thỏa thuận hợp tác 3 bên, gồm Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Ứng dụng tích hợp ở quy mô cấp tỉnh có tính liên kết, gồm nội dung giới thiệu các điểm đến, danh lam, thắng cảnh, di tích, văn hóa, ẩm thực, lịch sử… của xứ Thanh.
Nhận định việc mở cửa toàn bộ ngành kinh tế xanh sau thời gian dài chịu tác động nặng nề bởi Covid-19 bao gồm cả thách thức và tiềm năng, ông Phan Tấn Quốc, Phó giám đốc Phòng Đổi mới sáng tạo số (KPMG Việt Nam) cho rằng, doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội từ những tín hiệu mới như sự thay đổi nhu cầu của thị trường, công nghệ và các giải pháp mới, các chính sách mới kèm ưu đãi... Đồng thời, tập trung vào các xu thế du lịch mới như: du lịch thực tế ảo, du lịch làm việc từ xa, du lịch an toàn, các giải pháp không chạm… để đột phá doanh thu bền lâu.
Liên quan vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: “Một trong 5 định hướng lớn của ngành du lịch thời gian tới là thúc đẩy chuyển đổi số. Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Do đó, khi hồi phục ngành du lịch, chuyển đổi số cần được đẩy mạnh hơn nữa”.
Về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch sẽ tiếp tục xây dựng hệ sinh thái thông minh; kết nối cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp theo thời gian thực... Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch…