Đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về tình hình phát triển lĩnh vực du lịch Đà Nẵng tại Hội nghị Đầu tư Du lịch TP Đà Nẵng, hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào ngày 14/10.
Nói về vị thế lĩnh vực du lịch của Đà Nẵng, ông Tuấn cho rằng cùng với các địa phương khác như Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào sự tăng tốc của du lịch Việt Nam thời gian qua. Du lịch Đà Nẵng hiện lên “vạm vỡ”, đáp ứng tốt nhu cầu của các phân khúc du lịch khác nhau. Điểm sáng nữa đó là Đà Nẵng đã thu hút được những nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sun Group và sự có mặt của các thương hiệu quản lý khách sạn lớn trên thế giới vào lĩnh vực du lịch.
Hội nghị Đầu tư Du lịch thành phố Đà Nẵng có sự tham dự của rất đông nhà đầu tư và doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Văn Tuấn thông tin, hiện Đà Nẵng có 21.054 phòng được xếp hạng sao, và đến 2018 sẽ có thêm khoảng 4.500 phòng gia nhập thị trường, chủ yếu ở phân khúc 5 sao. Cập nhật số lượng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết có 2.576 phòng ở các dự án đã được đầu tư chuẩn bị đưa vào sử dụng tại thị trường khách sạn Đà Nẵng, trong đó chủ yếu ở phân khúc khách sạn 4-5 sao. Tại Đà Nẵng, hiện có 12 khách sạn 4-5 sao đang hoạt động.
Lãnh đạo Tổng Cục Du lịch cũng đánh giá, về sản phẩm du lịch Đà Nẵng, hiện sản phẩm du lịch biển đang dẫn đầu, tiếp đến là du lịch núi (Bà Nà) và du lịch văn hóa. Đà Nẵng hiện cũng đang là điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch M.I.C.E (sự kiện, hội nghị hội thảo) khi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.
Một điểm nổi bật nữa được ông Tuấn nhắc đến đó chính là những chính sách phát triển du lịch của Đà Nẵng đã đi vào lòng dân, được người dân ủng hộ, mà tiêu biểu chính là việc một cá nhân tại Đà Nẵng khởi xướng phong trào “Open toilet” (Thoải mái như ở nhà), sau đó đã được đông đảo người dân Đà Nẵng hưởng ứng nhiệt liệt và nhân rộng mô hình. Điều này góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Đà Nẵng trong lòng du khách.
Bên cạnh những điểm đạt được, ông Tuấn thẳng thắn cho rằng du lịch Đà Nẵng đã phát triển đến ngưỡng cần những bước đi đột phá mới nếu ko sẽ gặp những xung đột, thách thức và tổn thương.
Ông Tuấn chỉ rõ, Đà Nẵng cần phải tiếp tục đầu tư các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, các điểm mua sắm chất lượng cao, các sản phẩm giải trí hiện đại - chuyên biệt tạo cảm hứng cho khách du lịch.
Thứ hai, đó là về quỹ đất cho nhà đầu tư. Hiện nay các vị trí đất đắc địa đã không còn, do vậy Đà Nẵng cần phải mở rộng những khu vực mới và tạo điều kiện để khu vực mới này phát triển. Đối với những khu đất cũ đã được cấp cho các nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư chậm triển khai, Đà Nẵng cần có động thái mạnh mẽ đó là thu hồi để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác, trên cơ sở có lý có tình.
Thứ ba, Đà Nẵng cần phải giải quyết các bài toán về ứng xử với thị trường du khách Trung Quốc. Theo ông Tuấn, thị trường khách du lịch Trung Quốc hiện là thị trường lớn trên thế giới với 35 triệu người Trung Quốc đi du lịch mỗi năm. Hầu như ngành du lịch quốc gia nào trên thế giới cũng quan tâm đến thị trường khách này. Do đó, Đà Nẵng phải tìm cách để thích ứng với sự phát triển của thị trường khách này. Tuyệt đối không được thể hiện sự kỳ thị đối với bất kỳ thị trường du khách nào, đồng thời cần xử lý có tình có lý, hài hòa.
Và cuối cùng, ông Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục nhắc lại vấn đề “liên kết”. “Du lịch Đà Nẵng cần tiếp tục liên kết, liên kết với các địa phương Miền Trung ở các khía cạnh liên kết sản phẩm, liên kết thị trường, liên kết nguồn nhân lực. Và đặc biệt là liên kết với 2 đầu Hà Nội và TP. HCM. Đây không chỉ là 2 thành phố có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng mà còn là thị trường có lượng khách nội địa và quốc tế rất lớn,” ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.