- Lực đẩy từ loạt chính sách giúp thị trường Đà Nẵng tăng tốc bứt phá
- Đà Nẵng: Gỡ vướng hồ sơ đánh giá tác động môi trường Dự án Chợ đầu mối Hòa Phước
- Pháo hoa Đức - Ba Lan khuấy động đêm thi thứ 3 Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024
- Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2024 - DIFF 2024: Kết nối toàn cầu - Rạng rỡ năm châu
Khách quốc tế vượt năm 2019
Cục Thống kê TP. Đà Nẵng vừa tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho biết, “một số ngành phát triển có hiện tượng và kết quả hơn so với năm 2019”.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng thông tin tại buổi họp báo. |
Trong đó, khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của TP. Đà Nẵng.
“Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng và vượt cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19”, ông Vũ cho hay.
Cụ thể, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,1 triệu lượt (tăng 25,6% so với cùng kỳ); trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt (tăng 40,3% so với cùng kỳ), khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt (tăng 17,7%). Tổng số khách khu dịch do cơ sở lữ hành phục vụ 6 tháng ước đạt 636 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế đạt 222 nghìn lượt (tăng 37,3%), khách trong nước đạt 383 nghìn lượt.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của TP. Đà Nẵng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024 (riêng khu vực dịch vụ tăng 5,99%, đóng góp chính cho tăng trưởng GRDP chung).
Quy mô nền kinh tế TP. Đà Nẵng theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, quy mô giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với hơn 5.837 tỷ đồng. Trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Ngoài ra, giá trị tăng thêm của cả khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 1,7% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 1.591 triệu USD (tăng 11,3% so với cùng kỳ); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20/6/2024 đạt 12.980 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ (riêng thu nội địa đạt 11.469 tỷ đồng, chiếm hơn 88%)
Bên cạnh tín hiệu lạc quan, kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng vẫn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn như số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả xin tạm ngừng và doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn tiếp tục tăng; ngược lại, số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng có 1.798 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 5.591 tỷ đồng, giảm 12,5% về số doanh nghiệp và giảm 36,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong khi, 321 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường; 3.200 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua, tăng 11,7% so với cùng kỳ…
Số lượng dự án thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tính đến ngày 15/6/2024 cũng giảm so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư trong nước, TP. Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt 8.415 tỷ đồng (giảm 3 dự án và vốn đăng ký giảm 54,9% so với cùng kỳ). Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TP. Đà Nẵng đã cấp mới chứng nhận cho 34 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 23,4 triệu USD (so với cùng kỳ giảm 25 dự án nhưng tăng180,5% về số vốn đăng ký).
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu khi âm (-) 30,34%; doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng giảm 46%...
Du lịch - cơ hội và thách thức
Mặc dù khu vực dịch vụ là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng, Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho rằng “khách du lịch tăng cao nhưng số ngày lưu trú giảm, xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư, tiền thuê đất... việc đầu tư nâng cấp sản phẩm dịch vụ hiện có, cũng như đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch mới còn hạn chế...”.
Tại buổi họp báo, đại diện Sở Du lịch TP. Đà Nẵng chia sẻ, đến nay, tất cả chỉ tiêu liên quan đến khách du lịch cũng như doanh thu đã có sự tăng trưởng hơn so với năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch TP. Đà Nẵng.
Đoàn khách Hàn Quốc đang lưu trú tại một cơ cở khách sạn tại quận Hải Châu. |
Song một số hạn chế của ngành du lịch cũng được đại diện Sở Du lịch ghi nhận như xu hướng khách có sự di dời, thay đổi điểm đến, cụ thể như khách du lịch Hàn Quốc có sự chuyển dời đến điểm mới trong đó có TP. Nha Trang.
Khách du lịch muốn trải nghiệm nhiều hơn là 1 điểm đến, trải nghiệm nhiều dịch vụ, nhiều cơ sở lưu trú…
Về cơ hội ngành du lịch, đại diện Sở Du lịch cho rằng, với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, kỳ vọng theo Nghị quyết này thì TP. Đà Nẵng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, trong đó du lịch.
Ngoài ra, ngày 13/6/2024, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quy hoạch định hướng du lịch TP. Đà Nẵng một số ưu tiên; phát triển trở thành cực tăng trưởng quốc gia và cả nước; 1 trong 11 trung tâm du lịch…
“Đây là một trong những thuận lợi để TP. Đà Nẵng phát triển du lịch”, đại diện Sở Du lịch TP. Đà Nẵng nói.
Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, bên cạnh đó, Thành phố cũng chủ động một số chính sách như kích cầu du lịch, thu hút khách đến; tạo ra một số sản phẩm du lịch cùng với sở, ngành địa phương tạo ra một số khu phố đêm, chợ đêm; tăng cường tổ chức các sự kiện, sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm cho khách. TP. Đà Nẵng cũng phối hợp với các đơn vị lữ hành, các hãng hàng không cùng nhau liên kết tạo thành chuỗi dịch vụ phục vụ du khách trải nhiệm nhiều sản phẩm…