Du khách khám phá làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) (Ảnh: Linh Tâm) |
Bùng nổ khách quốc tế
Lượng khách quốc tế đến Hà Nội trong những ngày đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Theo Sở Du lịch Hà Nội, mặc dù kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay chỉ có một ngày, nhưng Hà Nội vẫn đón tới 160.000 lượt khách, tăng 17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 28.400 lượt, tăng 67%; khách du lịch nội địa ước đạt 132.000 lượt, tăng 10%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 594 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm 2024.
Sân bay Nội Bài ghi nhận hàng loạt chuyến bay quốc tế từ châu Âu, Đông Bắc Á và Trung Đông… Thị trường khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhưng đáng chú ý là sự gia tăng đáng kể lượng khách từ Ấn Độ và các nước Trung Đông. Những chiến dịch quảng bá đa dạng văn hóa, cùng với sự thuận tiện trong cấp visa điện tử đã đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các thị trường tiềm năng này.
Đặc biệt, sự hợp tác giữa các công ty du lịch và hãng hàng không trong việc phát triển các gói tour cao cấp đã thu hút tầng lớp trung lưu và thượng lưu từ các nước phát triển. Công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch hạng 4 - 5 sao trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2025 đạt khoảng 80%. Trong đó, một số khu căn hộ, khách sạn đạt công suất sử dụng phòng 90 - 100%.
Vùng ngoại thành Hà Nội cũng là điểm đến lý tưởng cho du khách nước ngoài. Các hoạt động cắm trại, leo núi, đi bộ địa hình tại các vùng ngoại thành diễn ra sôi động…
Kỳ vọng và hướng đi trong năm 2025
Năm 2025, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2024, trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi toàn ngành cần tập trung và nỗ lực nhiều hơn.
Sở Du lịch Hà Nội đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 để đạt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng. Trong đó, trọng điểm là đánh giá lại thị trường khách, tập trung xúc tiến tại các thị trường quốc tế truyền thống như Đông Bắc Á, ASEAN, EU; mở rộng tiếp cận các thị trường tiềm năng mới như Ấn Độ, Đông Âu và các quốc gia Hồi giáo.
Ngoài ra, Hà Nội dự kiến xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Các tour văn hóa kết hợp du lịch đêm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch trên sông được kỳ vọng sẽ làm mới trải nghiệm cho du khách. Thành phố cũng sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố khác để hình thành tuyến du lịch liên vùng.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, mục tiêu năm 2025 không chỉ là thu hút lượng lớn khách du lịch, mà còn tập trung vào nhóm khách chất lượng cao, có mức chi tiêu lớn và lưu trú dài ngày. “Các kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô sẽ gắn chặt với không gian quy hoạch chung của Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050,” bà Đặng Hương Giang chia sẻ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours đưa ra nhiều đề xuất nhằm tăng sức cạnh tranh của du lịch Hà Nội. Ông cho rằng, dù phân khúc du lịch cao cấp đã được chú trọng phát triển, số lượng khu nghỉ dưỡng và khách sạn tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt trong mùa cao điểm, dẫn đến giá cả tăng cao và giảm sức hút với du khách.
Ông Hoan đề xuất Hà Nội đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng lưu trú, phát triển các cơ sở quy mô lớn để tăng năng lực cạnh tranh. Hoạt động giải trí về đêm cũng cần được nâng cấp để giữ chân du khách và kích thích du khách tăng chi tiêu…
Về du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), ông Hoan đề xuất quy hoạch dài hạn ngành công nghiệp văn hóa và giải trí, từ đó thúc đẩy các sự kiện âm nhạc, thể thao và giải trí thường niên, giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch tham gia.
Bà Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch sẽ đề xuất và tham mưu với cấp có thẩm quyền tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn; phối hợp với các hãng hàng không đón đoàn Fam từ Ấn Độ, tổ chức Roadshow giới thiệu du lịch Hà Nội tại các quốc gia Hồi giáo, Đông Âu, kết hợp với các sự kiện quốc tế, chương trình quảng bá của Thành phố nhằm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Hà Nội ra thế giới.
“Sở Du lịch chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch tại thị trường trong nước và quốc tế từ đầu năm, theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội có chất lượng cao”, bà Giang nói.
Linh Nguyễn