Du lịch
Du lịch, hàng không tăng tốc
Hạnh Nguyên - 19/01/2022 17:37
Không chỉ hàng không, du lịch nội địa, inbound (đón du khách quốc tế đến Việt Nam), các doanh nghiệp lữ hành outbound (đưa du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) cũng đang tăng tốc đón đầu cơ hội phục hồi.
Ảnh minh họa

Thị trường du lịch khởi sắc

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính từ 29/12/2021 đến 10/1/2022, các hãng hàng không trong nước đã khai thác 4.480 chuyến bay với 547.000 khách, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 64%. Trên trang web bán vé của Vietnam Airlines, từ ngày 15/1, nhiều giờ bay chặng TP.HCM - Hà Nội hết vé hạng phổ thông.

Đặc biệt hơn, nhu cầu hành khách bay từ TP.HCM đi Hà Nội hoặc các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đạt trên 70%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay được phân bổ, như đường bay TP.HCM - Hà Nội với tổng tần suất 25 chuyến khứ hồi/ngày, hệ số ghế 73%; đường bay từ TP.HCM đi/đến Đắk Lắk tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số ghế đạt 85%; các đường bay từ TP.HCM đi/đến Lâm Đồng, Hải Phòng, Huế, Gia Lai, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số ghế đạt trên 70%, trong khi tháng 12/2021 chỉ đạt khoảng 50 - 60%.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, nhu cầu đi lại của người dân trên các đường bay từ TP.HCM đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Theo báo cáo từ hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không, tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay này cũng tăng cao. Tỷ lệ hành khách đặt giữ chỗ đều trên 50%, có những thời điểm lên đến trên 90%. Dù vậy, các đường bay trục và chiều từ Hà Nội đi các địa phương khác tỷ lệ đặt giữ chỗ còn thấp.

Để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của người dân với các đường bay từ TP.HCM đi/đến các địa phương, Cục Hàng không đã đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép tăng tải cung ứng trên nhiều chặng bay giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán.

Sau khi mở lại bay quốc tế thường lệ, thị trường hàng không cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong tuần đầu tiên (từ ngày 1 - 7/1) đã có 16 chuyến bay thương mại thường lệ từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Đài Bắc (Trung Hoa) với khoảng 1.000 khách về nước.

Cục Hàng không cho biết có khoảng 140.000 người Việt Nam có nhu cầu về nước đón Tết. Dự báo lượng khách về nước sẽ vượt 30.000 hành khách/tuần, bao gồm cả công dân Việt Nam, Việt kiều và người nước ngoài là khách ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư... Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không đang thúc đẩy đàm phán với nhà chức trách hàng không các nước về việc nối lại bay quốc tế thường lệ cũng như tăng tần suất các đường bay hiện tại dịp Tết Nguyên đán.

Thời điểm tốt phục hồi thị trường outbound

Đặc biệt hơn, thời gian gần đây, ngành du lịch còn ghi nhận dấu hiệu tích cực từ thị trường outbound. Đơn cử, Vietravel đã tung ra gói tour đến bờ Tây nước Mỹ (giá khoảng 100 triệu đồng/người) và quốc đảo Maldives (giá khoảng 69 triệu đồng/người). Các tour này khởi hành từ mùng 3 Tết Âm lịch (3/2). Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel cho biết, các tour nước ngoài năm 2022 giá tăng trên 30% so với thời gian trước dịch. Lý do là dịch vụ vé máy bay và khách sạn tại các nước đều tăng cao.

Dự kiến, Vietravel sẽ tổ chức tour 5 ngày 4 đêm xem World Cup 2022 tại Qatar vào cuối năm với mức giá dự kiến 200 triệu đồng/người hoặc gói combo giá "mềm" hơn (chỉ gồm vé máy bay, phòng khách sạn 4 sao) giá khoảng 70 triệu đồng/người. 

Dù chưa chính thức đưa ra các sản phẩm tour outbound, nhưng bà Vũ Thị Bích Hiện, phụ trách truyền thông Công ty Flamingo Redtours dự đoán xu hướng khách đi tour outbound trong năm 2022 sẽ bắt đầu từ những chuyến công tác đến các điểm gần như Thái Lan, Singapore... sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.

Các hãng lữ hành lớn cho rằng, năm 2022 là thời điểm tốt để khởi động lại thị trường outbound đã “đóng băng” quá lâu. Cơ sở phục hồi thị trường này là bởi đường bay quốc tế đang từng bước được nối lại. Việt Nam đã đón những vị khách quốc tế đầu tiên vào cuối năm 2021 và dự kiến có thêm nhiều đoàn khác vào năm mới. 

Bà Khanh cho rằng, ngành kinh tế xanh muốn “hồi sức” nhanh chóng thì cần có chính sách hỗ trợ cả mảng inbound và outbound.  

Đại diện Vietravel còn cho rằng, việc mở cửa hàng không quốc tế lúc này vẫn rất chậm nên cần đẩy nhanh hơn nữa để giúp khôi phục nền kinh tế. Báo cáo của các tổ chức hàng không quốc tế cho thấy, 70 - 80% du khách được hỏi đều trả lời “sẽ du lịch bằng đường hàng không”. Vì thế, việc chậm mở cửa hàng không sẽ kìm hãm ngành công nghiệp không khói của Việt Nam sớm hồi phục.

Dù chưa thể phục vụ du khách, song việc các công ty lữ hành bắt đầu xây dựng các sản phẩm outbound hấp dẫn hứa hẹn mang đến một năm 2022 sôi động cho ngành du lịch Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác