Ngân hàng
Dư nợ tín dụng tiêu dùng tại TP.HCM tăng bình quân 36%/năm
Thùy Vinh - 06/12/2019 08:38
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM Cho biết, tổng số dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 10/2019 đạt 450.000 tỷ đồng dư nợ cho vay tài chính, tiều dùng riêng tại TP.HCM, chiếm tỷ trọng 20,2% trong tổng dư nợ trên địa bàn.
Theo đó, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM tính đến tháng 10/2019 tăng trưởng 14,3% so với cuối năm 2019. Bình quân 3 năm 2016, 2017, 2018 mức tăng trưởng đến 36%/năm. Điều đó cho thấy, việc phát triển tín dụng tiêu dùng đã tác động tích cực lên việc ngăn chặn tín dụng đen. Tuy nhiên, nợ xấu trong cho vay tiêu dùng đến hết tháng 10/2019 đạt 10.289 tỷ đồng, chiếm 2,28% trong tổng dư nợ tiêu dùng.

 Mới đây NHNN tiếp tục có Thông tư 18/2019/TT-NHNN điều chỉnh bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN. Theo đó, hoạt động tài chính tiêu dùng trong thời gian tới của Công ty tài chính và của ngân hàng sẽ lành mạnh hơn.

Trước đây, các công ty tài chính giải ngân trực tiếp tiền mặt cho khách hàng, nhưng trong thời gian tới sẽ giảm dần về mức 30% đến năm 2024 so với mức 70% cho vay bằng tiền mặt hiện nay. Mặt khác, Thông tư 18 cũng điều chỉnh hành vi đòi nợ phản cảm của công ty tài chính.

Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng (cho vay tiền mặt) đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty đó phải tuân thủ tỉ lệ tối đa theo lộ trình. Cụ thể, tỉ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ tín dụng tại một công ty tài chính từ ngày 1-1-2021 là 70%, giảm dần qua các năm và sẽ về mức 30% từ đầu năm 2024. Như vậy, các công ty tài chính có lộ trình trong 5 năm để giảm cho vay tiền mặt.

Cũng tại Thông tư 18, Ngân hàng Nhà nước quy định rõ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, bài toán ngăn chặn hoạt động tín dụng đen đòi hỏi nhiều đơn vị phải có giải pháp đồng bộ. Riêng ngành ngân hàng thời gian qua coi việc phát triển thị trường tài chính lành mạnh là giải pháp tốt nhất đáp ứng nhu cầu người dân cũng như ngăn chặn tín dụng đen.

Tuy nhiên, thời gian qua trong xã hội còn nhiều công ty tài chính có nét văn hóa thu hồi nợ gây nhiều phản cảm cho dư luận, xã hội. Vì vậy, Thông tư mới của NHNN sẽ điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ. Trong đó, công ty tài chính chỉ được nhắc nợ với người nợ thay vì thông tin đến cả những người liên quan cá nhân vay nợ như thời gian qua.

Hoạt động của các công ty tài chính phải công khai, minh bạch. Trong đó, lãi suất, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi sẽ được công khai. Công ty tài chính cũng phải phải trả lời khiếu nại của khách hàng.

Tin liên quan
Tin khác