Nhu cầu tín dụng cải thiện trong bối cảnh lãi suất tương đối thấp, kết hợp sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Đáng chú ý, với động thái vừa qua, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng thương mại cổ phần gồm Vietcombank, VietinBank, VPBank, VIB, Techcombank, NCB, TPBank, SeABank, SHB… trong đó, có nhiều ngân hàng được nâng “room” tín dụng rất cao, được xem là điều kiện tốt để thu lợi nhuận.
Tuy nhiên, nợ xấu tăng theo tín dụng đòi hỏi dự phòng lớn, “ngốn” hết lợi nhuận mà nhiều ngân hàng dự kiến đạt được năm nay.
Nới room là điều kiện thuận để VPBank gia tăng lợi nhuận. Ảnh: Hà Thanh |
DongA Bank cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận đạt 102 tỷ đồng trước thuế sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng. Thế nhưng, do nợ xấu tăng đòi hỏi trích dự phòng rủi ro cao, nên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế DongA Bank đưa ra cho năm 2015 cũng chỉ ở mức khiêm tốn 200 tỷ đồng so với mức 35 tỷ đồng thực hiện năm 2014. DongA Bank phấn đấu nâng tổng tài sản đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 12,7%; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 88.000 tỷ đồng, tăng 13,4%; tổng dư nợ cấp tín dụng 65.665 tỷ, tăng 7%; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giảm dưới mức 3% theo quy định. Tuy nhiên, kế hoạch trong năm nay của DongA Bank sẽ bán 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và 6 tháng đầu năm đã bán được 1.000 tỷ đồng.
Vì vậy, theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, nếu cộng vốn con số nợ xấu đã bán cho VAMC năm trước cùng với kế hoạch năm nay, thì tổng nợ xấu DongA Bank sẽ bán cho VAMC lên gần 10.000 tỷ đồng. Tính chung 20% dự phòng phải trích theo quy định, thì mỗi năm DongA Bank phải trích gần 2.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro, nên khó có thể kỳ vọng mức lợi nhuận cao.
Khoản trích lập dự phòng rủi ro của Saigonbank cũng sẽ tăng lên 186 tỷ đồng trong năm 2015. Dự phòng tăng đã kéo giảm lợi nhuận, nên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đưa ra cho năm 2015 chỉ ở mức 50 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã trích dự phòng rủi ro lên đến 300 tỷ đồng. OCB trích dự phòng cho những khoản nợ cũ và nợ xấu đã bán cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của OCB đến cuối tháng 6/2015 được kiểm soát ở mức 2,7%. Trong 2 quý đầu năm, OCB bán 74 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, nên cũng đòi hỏi một khoản dự phòng nhất định.
Eximbank cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ. Chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2015 ở mức 1.000 tỷ đồng trước thuế và đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua trong kỳ họp thường niên ngày 21/7. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Eximbank, năm nay, Ngân hàng phải trích trên 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho trái phiếu, đặc biệt là sau khi đã bán nợ xấu cho VAMC.
Các ông lớn trong ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi nợ xấu và đòi hỏi khoản dự phòng không nhỏ, thậm chí phải hy sinh phân nửa lợi nhuận. Nợ xấu của Vietcombank tính đến ngày 30/6 chiếm 2,43%. Vietcombank tiếp tục là một trong những đơn vị mạnh tay nhất trong trích lập dự phòng rủi ro khi 6 tháng đầu năm dành một nửa lợi nhuận để trích lập dự phòng. Sau trích lập, Vietcombank chỉ còn lợi nhuận trước thuế 3.040 tỷ đồng sau 6 tháng. ROA và ROE lần lượt đạt 0,82% và 10,77%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 11,18%. Năm 2015, Ngân hàng đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ nợ xấu ở 2,3%.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định, với việc đẩy mạnh xử lý nợ và bán nợ xấu cho VAMC, mục tiêu đưa nợ xấu về 3% vào cuối năm là có cơ sở. Tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2015, VAMC đã xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu các ngân hàng thương mại phải bán nợ xấu cho VAMC, đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.