Doanh nhân
Chuyển nợ thành vốn góp: Làm đẹp sổ sách, nợ xấu vẫn xấu?
Thùy Liên - 04/07/2015 10:16
Quy định mới cho phép ngân hàng và doanh nghiệp (DN) được chuyển nợ vay thành vốn góp, giúp việc xử lý nợ khó đòi hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có xảy ra tình trạng ồ ạt chuyển nợ thành vốn góp?

Từ ngày 1/9: Nợ xấu có thêm “cửa” xử lý

Cuối năm 2014, thị trường tài chính xôn xao trước thông tin Ngân hàng Nhà nước đồng ý chủ trương để VietinBank tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) bằng toàn bộ khoản cho vay 5.000 tỷ đồng. Đây là giải pháp được coi là hai bên cùng có lợi, bởi nếu không đổi nợ thành cổ phần, VietinBank khó lòng thu nợ, do Vinalines đang ngập trong nợ nần, trong khi cái lợi của Vinalines là vừa giảm được nợ, vừa tìm được nhà đầu tư chiến lược.


 

Tuy nhiên, cũng tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, có nhiều điểm “chưa phù hợp với quy định hiện hành” khi triển khai đổi nợ thành vốn góp. Đây có lẽ cũng là lý do cho đến nay, chưa có hợp đồng nào được ký kết giữa VietinBank và Vinalines về hoán đổi nợ thành vốn góp.

Tuy nhiên, những vướng mắc trên sắp được tháo gỡ. Từ ngày 1/9 tới, Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sẽ có hiệu lực. Theo đó, ngoài việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu của công ty cổ phần khác như quy định cũ, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy phần vốn góp của DN tại DN khác (không phải công ty cổ phần), đồng thời phát hành cho chủ nợ để chuyển nợ thành vốn góp.

Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP BIDV cho rằng, quy định trên tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tái cấu trúc DN và có thể trở thành một kênh để các DN nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng xử lý một số khoản nợ khó đòi hiệu quả hơn, bằng việc chuyển nợ thành vốn góp.

“Thông qua cơ chế này, các tổ chức tín dụng có thể phát triển nghiệp vụ ngân hàng đầu tư bằng cách mua bán nợ, chuyển nợ vay thành vốn góp, sau đó hỗ trợ DN về quản trị, tài chính, hoạt động, làm cho tình hình DN tốt lên, rồi chuyển nhượng phần vốn góp trên thị trường để thu hồi nợ”, ông Trần Phương nói. 

Ồ ạt chuyển nợ thành vốn?

Câu hỏi đặt ra là, khi đã được phép chính thức, liệu có diễn ra tình trạng ngân hàng ồ ạt chuyển nợ thành vốn góp để trốn bán nợ cho VAMC, làm đẹp sổ sách? Nếu tình hình này diễn ra, sở hữu chéo ngân hàng - doanh nghiệp chắc chắn sẽ gia tăng.

Liên quan vấn đề này, bà Phan Thị Chinh, Ủy viên HĐQT BIDV khẳng định, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép chuyển nợ thành vốn góp, song không phải ngân hàng có thể chuyển bất kỳ khoản nợ nào thành vốn góp và tỷ lệ được góp vốn bao nhiêu cũng đã được quy định rõ. Cụ thể, theo quy định hiện hành, các ngân hàng không được phép đầu tư ngoài ngành, có nghĩa là ngân hàng chỉ được chuyển nợ thành vốn góp tại những DN có ngành nghề kinh doanh phù hợp với giấy phép hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không được góp vốn quá 11% vốn điều lệ của DN. Như vậy, ngân hàng không thể ồ ạt chuyển nợ thành vốn góp.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ, việc chuyển nợ thành vốn góp tuy làm đẹp sổ sách, song cũng rất rủi ro với ngân hàng. Do đó, sẽ không nhiều ngân hàng áp dụng.

“Đổi nợ thành vốn là một trong những giải pháp chủ chốt để xử lý nợ xấu mà nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, nghiệp vụ này thường do ngân hàng đầu tư, chứ không phải ngân hàng thương mại thực hiện. Ở Việt Nam, các ngân hàng thường bao gồm cả chức năng thương mại và đầu tư. Theo quy định, ngân hàng được phép đầu tư trong giới hạn 40% vốn điều lệ của mình. Tuy nhiên, theo tôi, các ngân hàng trong nước không mạnh về đầu tư, vì vậy, sẽ an toàn hơn cho ngân hàng nếu bán nợ cho các tổ chức xử lý nợ chuyên nghiệp như VAMC và để VAMC xử lý”, vị lãnh đạo này nói.

Tuy khó khăn, song theo đánh giá của các ngân hàng, việc cho phép chuyển nợ thành vốn góp sẽ có tác dụng trong xử lý nợ xấu với ngân hàng, áp dụng đối với một số khách hàng nhất định. Riêng với VAMC, việc chuyển nợ thành vốn sẽ giúp tổ chức này đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ.

Theo số liệu của NHNN, tính đến hết ngày 15/6/2015, VAMC đã duyệt mua 28.194 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Như vậy, kể từ khi hoạt động đến nay tổ chức này đã mua được 143.800 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Dù vậy, qua hơn 2 năm, VAMC mới bán được 2 - 3% nợ xấu.

Tin liên quan
Tin khác