Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).
Về sự cần thiết ban hành Luật PPP, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật. Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.
Bên cạnh đó, hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.
Vì vậy, “việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc ban hành Luật PPP sẽ tránh tình trạng "vay mượn" quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng Luật PPP, quan điểm của Bộ khi xây dựng là là có giá trị pháp lý cao, điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, kế thừa các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả; xử lý các khác biệt, thiếu đồng bộ giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác; khắc phục các tồn tại, bất cập trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai.
Bộ trưởng Dũng khẳng định, Luật PPP sẽ tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Đồng thời, thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước cũng như làm tiền đề để triển khai các dự án PPP, bao gồm cả dự án dành cho các nhóm đối tượng yếu thế.
Theo tài liệu Chính phủ trình Quốc hội, Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách mới.
Đáng chú ý, dự thảo Luật có các cơ chế đảm bảo của Chính phủ với dự án. Theo Bộ trưởng Dũng, đây là vấn đề khó nhất khi thiết kế luật này.
“Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường”, Bộ trưởng Dũng phân tích.
Theo kế hoạch, ngày 19/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án luật này và nghe giải trình từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Dự thảo Luật PPP thiết kế 2 cơ chế đảm bảo của Chính phủ gồm:
(1) Cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ (Điều 76 dự thảo Luật):
Đối với từng dự án cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (không áp dụng tràn lan cho tất cả), trong trường hợp thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Chính phủ sẽ xem xét quyết định (bằng Nghị quyết) việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ trên cơ sở cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.
(2) Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư (Điều 77 dự thảo Luật):
- Quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.
- Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trong khuôn khổ hợp đồng như nêu trên nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án (làm ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân), Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro như sau:
(i) Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
(ii) Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.