Ông Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội . |
Thưa ông, trên thế giới có nhiều nước ban hành riêng Luật Đầu tư PPP không?
Không quốc gia nào trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… có đủ nguồn lực, kể cả tiền đi vay, đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Vì vậy, các quốc gia đều có cơ chế, chính sách được ban hành dưới hình thức luật, nhằm khuyến khích thu hút nguồn lực tư nhân cùng tham gia đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực giao thông.
Thực tế cho thấy, hầu hết các nước đều thành công khi huy động vốn ngoài xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương thức PPP.
Ở Hàn Quốc chẳng hạn, ngay từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, họ đã có luật về đầu tư PPP vào đường giao thông, cảng biển, nhà ga hàng không, sau đó mở rộng thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực khác. Kết quả là đến nay, xứ sở Kim Chi đã có hệ thống giao thông, cảng biển, nhà ga hàng không và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội rất hiện đại và đồng bộ, góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế Hàn Quốc phát triển rực rỡ như hôm nay.
Dù chưa có Luật Đầu tư PPP, nhưng Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn đáng kể ngoài xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, thưa ông?
Hơn 20 năm trước, đầu tư PPP đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 336 dự án PPP, trong đó chủ yếu là dự án BOT (140 dự án) và BT (188 dự án), thu hút được 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Các dự án BOT, BT đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị…, giải quyết kịp thời nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu sản xuất trong nước.
So với nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước và vốn đi vay vô cùng ít.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư công chỉ có 2 triệu tỷ đồng, trong đó vay nước ngoài 360.000 tỷ đồng, vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ 200.000 tỷ đồng. Trong số tiền đầu tư công trung hạn tối đa 2 triệu tỷ đồng của giai đoạn này, phải dành 72.817 tỷ đồng cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững.
Như vậy, chẳng còn bao nhiêu để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong khi đó, lĩnh vực giao thông cần tối thiểu 952.730 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 20%.
Trong giai đoạn tới, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vô cùng lớn, vốn đầu tư công, kể cả đi vay dù có tăng thêm 30-40% so với mức 2 triệu tỷ đồng của giai đoạn 2016-2020 cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu.
Quốc hội khóa XIV đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 để Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021). Để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, cần phải sớm thông qua Luật Đầu tư PPP?
Cả 2 dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội khóa XIV thông qua quyết định chủ trương đầu tư để triển khai trong giai đoạn này là sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều trễ hẹn. Vì vậy, áp lực đầu tư của giai đoạn tới vô cùng lớn.
Với sân bay Long Thành, Quốc hội đang bàn xem để doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV) đầu tư hay kêu gọi cả tư nhân tham gia. Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 11 dự án thành phần, trong đó chỉ có 3 dự án đầu tư công, còn lại 8 dự án đã được xác định là đầu tư PPP với số vốn dự kiến huy động tối thiểu là 63.716 tỷ đồng. Vì vậy, nếu không sớm thông qua Luật Đầu tư PPP, sẽ rất khó thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia.
Ông có tin rằng, nếu thông qua Luật Đầu tư PPP, sẽ thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông?
Việt Nam ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô tầm cỡ khu vực và thế giới như Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát, Vietjet Air, Vinamilk, FLC, BIM Group, Sun Group… Những tập đoàn tư nhân này đã đầu tư vào các công trình, dự án cung cấp dịch vụ công, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, thu hút khách du lịch, mà còn góp phần thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Trước đây, nhiều người hoài nghi tiềm lực, hiệu quả của doanh nghiệp nội địa khi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng việc Sun Group đầu tư hiện đại, đồng bộ và khai thác hiệu quả Sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng biển và đường cao tốc đã chứng minh rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có đủ sức, đủ tầm để cùng Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực giao thông nói riêng.
Để phát huy nguồn vốn, tiềm lực, khả năng đầu tư, khai thác, vận hành các công trình giao thông, cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích. Đó chính là Dự án Luật Đầu tư PPP sẽ được Quốc hội thảo luận vào hôm nay.
Nhưng sau thời gian bùng nổ, vài năm gần đây, đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt là hình thức BOT, BT giao thông bị chững lại?
Đầu tư theo phương thức PPP không phải là đầu tư công và cũng không phải là đầu tư tư nhân, mà là hình thức hỗn hợp. Nhưng do chưa có luật riêng, nên PPP cũng phải thực hiện đầy đủ các luật hiện hành liên quan đến đầu tư như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư; Luật Quản lý nợ công; Luật Đầu tư công… Vì vậy, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán dự án BOT, BT giao thông khiến nhiều dự án bị phá vỡ phương án tài chính.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, người sử dụng cầu, đường được đầu tư theo hình thức BOT, BT phản ứng khiến cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong việc xử lý để vừa bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, Nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp. Điều này khiến hình thức BOT, BT giao thông bị chững lại và nguyên nhân cốt lõi là chưa có Luật Đầu tư theo phương thức PPP để xử lý triệt để.