Bộ Công Thương cho biết, hiện tại dự thảo Nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19 đã qua hết các bước thẩm định và sẽ được trình lên Chính phủ trong một vài ngày tới. |
Thông tin này vừa được Bộ Công Thương xác nhận và cho biết, trong quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thông qua nhiều hình thức như hội thảo, gửi trực tiếp dự thảo, đưa dự thảo lên website của Bộ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện tại dự thảo Nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19 đã qua hết các bước thẩm định và sẽ được trình lên Chính phủ trong một vài ngày tới.
Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Bộ Công Thương đã soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét.
Quan điểm của Bộ Công Thương, các hoạt động kinh doanh khí gắn liền với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân như bồn chứa khí, chai LPG, đường ống, trạm nạp, trạm cấp, trạm nén, các cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG, chai LPG mini tiềm ẩn, chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường cần được kiểm soát.
Hiện nay, theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP chỉ trú trọng đến quản lý, quy định các điều kiện kinh doanh chưa tập trung quy định các điều kiện liên quan đến an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.
Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh khí sẽ theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này và mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương với 60 Điều. Theo đó, mấu chốt là Dự thảo Nghị định đã đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối; các thủ tục hành chính còn nhiều và rườm rà.
Đặc biệt, các quy định của Nghị định này về điều kiện kinh doanh khí (điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG, điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối...) đang là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, không còn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Dự thảo nghị định quy định các điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, cụ thể:
Thương nhân xuất, nhập khẩu khí chỉ cần có cầu cảng hoặc thuê cầu cảng, có bồn chứa khí hoặc chai chứa LPG chai đảm bảo các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với: Thương nhân xuất, nhập khẩu khí; thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân có trạm nạp khí (nạp vào xe bồn, chai LPG, phương tiện vận tải); cửa hàng bán lẻ LPG chai; thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG; thương nhân sản xuất chai LPG mini. Chỉ quy định điều kiện và không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với: thương nhân sản xuất, chế biến khí; thương nhân có trạm cấp khí, trạm nén CNG; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê cầu cảng, bồn chứa khí, kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí.
Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân mở rộng hơn các quyền của thương nhân trong hoạt động kinh doanh khí, thương nhân tự lựa chọn quy mô doanh nghiệp, năng lực cũng như tự do thiết lập hệ thống phân phối của mình trên cơ sở điều tiết của thị trường.
Bộ Công Thương nhận thấy, các hoạt động kinh doanh khí gắn liền với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân như bồn chứa khí, chai LPG, đường ống, trạm nạp, trạm cấp, trạm nén, các cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG, chai LPG mini tiềm ẩn, chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường cần được kiểm soát.