Doanh nghiệp
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu vẫn còn một số vướng mắc
Thế Hải - 04/10/2024 10:44
Đại diện Bộ Công thương, cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu thừa nhận, dự thảo Nghị định vẫn còn một số vướng mắc, Bộ này nói sẽ tiếp thu ý kiến, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất.
Dự thảo lần thứ 4 Nghị định kinh doanh xăng dầu vẫn còn một số vướng mắc, cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng thị trường nhất.

Bộ Công thương vừa tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được xây dựng sẽ thay thế cho các Nghị định 83/2014; Nghị định 95/2021; Nghị định 80/2023.

Hội nghị được tổ chức sau khi Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu có văn bản gửi Thủ tướng, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Công thương, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư... về các vấn đề liên quan đến việc sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu.

Hiện, dự thảo lần thứ 04 Nghị định kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công thương trình Chính phủ.

Một mặt ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công thương trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh xăng dầu; tuy nhiên, những thương nhân này nói không tán thành quan điểm, cách tiếp cận vấn đề của Ban soạn thảo và nhiều nội dung của dự thảo Nghị định, nhất là một số nội dung tạo phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, quỹ bình ổn giá, bất cập trong cơ chế quản lý giá và quy định không cho phép các thương nhân đầu mối được mua bán xăng dầu của nhau....

Việc lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo Nghị định còn mang tính hình thức và không thực chất, thiếu toàn diện và đầy đủ đối với các đối tượng chịu sự tác động, không bảo đảm đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Thậm chí, Nhóm thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu kiến nghị Uỷ ban kinh tế của Quốc hội theo dõi và giám sát việc soạn thảo, ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu để bảo đảm sự tuân thủ đúng các luật hiện hành. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh chiến lược, cùng với điện và khí đốt, xăng dầu được coi là “bánh mỳ” của nền kinh tế và đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Chính vì vậy, những điều kiện nêu ra tại dự thảo nghị định này là vừa bảo đảm được cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm cơ chế quản lý của nhà nước.

Ông Diên cho biết, đây là lần thứ 4 Bộ Công thương tiến hành lấy ý kiến của các bộ ngành cả bằng văn bản và lấy ý kiến trực tiếp, đã trình lên Chính phủ 4 lần bản dự thảo nghị định sửa đổi từ 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu đang có. Mục đích tìm phương án hoàn hảo nhất, phù hợp nhất so với tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo báo cáo của Ban biên soạn, Tổ biên tập, vẫn còn một số vướng mắc, mặc dù trong quá trình soạn thảo dự thảo Nghị định. Bộ Công thương đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050.

Đó là thực hiện cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm hướng tới mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa phải vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số của nền kinh tế.

Về những ý kiến góp ý của thương nhân xung quanh dự thảo, lãnh đạo Bộ Công thương cam kết: "Sẽ cố gắng tiếp thu và thể hiện một cách tốt nhất theo quan điểm tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất”.

Tin liên quan
Tin khác