Năm học 2023-2024, các Trường Đại học Văn Lang (TP.HCM), Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), Tân Tạo (tỉnh Long An) và Duy Tân (TP. Đà Nẵng) đề xuất đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khiến dư luận nảy sinh hai luồng ý kiến trái chiều.
Ảnh minh hoạ. |
Lý giải về việc đưa môn Văn vào quy trình xét tuyển, đại diện trường Đại học Duy Tân cho rằng, môn Văn được bổ sung vào tổ hợp môn xét tuyển là từ thực tiễn của ngành Y coi trọng tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, chia sẻ và khả năng chịu áp lực trong quá trình điều trị bệnh nhân.
GS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thể hiện sự ủng hộ việc đưa môn Văn vào tiêu chuẩn xét tuyển bởi bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, kê đơn mà còn bằng cả cái tâm và nhân cách của người thầy thuốc.
Theo vị giáo sư, Văn là người vì vậy văn học là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách. Các tác phẩm văn học mang đến cho bác sĩ một nhân sinh quan toàn diện về con người, về các trạng thái tình cảm và tâm lý phức tạp của con người.
Điều này giúp bác sĩ phát triển tư duy nhân văn, tăng cường khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh và có thể điều trị cá thể hóa người bệnh.
Các kiến thức khoa học vẫn có thể tiếp thu được nếu học muộn nhưng quá trình hình thành nhân cách và tâm hồn là một quá trình khởi đầu ngay từ khi còn bé.
Bác sĩ Quan Thế Dân, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành cũng đồng tình và cho hay, tuyển sinh đại học ở Việt Nam, từ rất lâu rồi, chia năng lực học sinh thành ba khối chính A, B, C.
Khối A là khoa học tự nhiên, với ba môn Toán, Lý, Hóa. Khối B, cũng là khoa học tự nhiên, gồm Toán, Hóa, Sinh. Khối C được cho là của những người mộng mơ với Văn, Sử, Địa.
Cách tuyển sinh khô cứng này kéo dài hàng chục năm không thay đổi, khiến nhiều người coi việc phân chia năng lực con người thành các khối như vậy là chân lý, không cần phải bàn cãi gì nữa. Hậu quả là không ít cá nhân có năng lực và phẩm chất phù hợp bị mất cơ hội học tập và làm việc trong ngành y.
Bác sĩ Dân cho hay, đổi mới tuyển sinh là một bước quan trọng trong đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Cùng với việc mở rộng các trường tham gia đào tạo y khoa, việc mở rộng các tổ hợp tuyển sinh cũng đưa đến nhiều cơ hội hơn cho các em học sinh hiện thực hóa ước mơ thành bác sĩ của mình.
Các trường đại học đào tạo ngành y có thể tham khảo mô hình "Dự bị y khoa" của các nước Âu Mỹ để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Bác sĩ này cho hay, sự phản đối việc đưa môn Văn vào tuyển sinh y khoa sâu xa có lẽ xuất phát từ những hoài nghi vào tính khoa học và sự nghiêm ngặt của tuyển sinh đại học ở Việt Nam do quá trình mất niềm tin lâu dài. Nhưng đây có thể là những nỗ lực bước đầu nhằm thoát khỏi tình trạng giáo điều khô cứng khi xưa.
"Vấn đề không phải là môn học nào, mà là tuyển sinh ra sao và sau đó, đào tạo như thế nào, để cung cấp được cho xã hội những bác sĩ vững vàng về chuyên môn và đáng tin cậy về y đức", bác sĩ Quan Thế Dân nêu.
Bên cạnh ý kiến đồng tình, thì cũng còn nhiều ý kiến không đồng tình. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, thế giới không ở đâu dùng Văn học làm môn thi vào trường y, mà điều kiện tiên quyết phải là các môn Hoá học, Sinh học, Toán học hay Vật lý.
Bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, sinh viên y có giỏi Văn đến mấy, nếu thiếu một trong ba môn Hoá học, Sinh học, Toán học hoặc Vật lý cũng khó hành nghề.
"Một bác sĩ dù có thái độ sống tốt, như nói hay, tương tác với bệnh nhân giỏi, hết lòng yêu thương chăm sóc bệnh nhân, nhưng chẩn đoán thì không đúng bệnh, điều trị sai, thì đó là một bác sĩ có vấn đề nghiêm trọng về y đức", bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nói.
Được biết, hiện Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển khối ngành Y là quyền của nhà trường. PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các phản biện từ xã hội, cộng đồng, từ báo chí, từ các chuyên gia, nhà trường… đều thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Liên quan đến việc này đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết phải đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Việc xem xét cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn Văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe. Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước thực tiễn về việc chọn môn Văn vào tổ hợp xét tuyển", đại diện Bộ Y tế nêu.