Đầu tư
Đưa ngành logistics phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh
Lê Quân - 01/11/2024 09:08
Việt Nam đang dẫn đầu sự dịch chuyển của dòng chảy sản xuất và thương mại trong khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics tăng tốc đầu tư hạ tầng phần cứng và phần mềm để đón đầu xu hướng.
Doanh nghiệp logistics Việt Nam được nhận định là có nhiều cơ hội để bứt phá. Trong ảnh: Toàn cảnh Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức

Bước tiến mới

“Ngành logistics cũng giống như mạch máu trong cơ thể, khi một khâu vận hành không tốt sẽ khiến cả chuỗi gặp trục trặc. Khi đó các khâu khác phải hoạt động mạnh hơn để đảm bảo cả chuỗi hoạt động”, ông Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM phát biểu tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 31/10 tại TP.HCM.

Những bước tiến của ngành logistics được thể hiện rõ qua số liệu được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận năm 2023, khi Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN. Theo bảng xếp hạng về Chỉ số Thị trường mới nổi của Agility - nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, tăng 1 bậc so với năm trước.

Ông Yap Kwong Weng dẫn các số liệu cho thấy, sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu khiến Đông Nam Á trở thành trung tâm chủ lực cho sản xuất và logistics. Trong đó, Việt Nam đang dẫn đầu sự dịch chuyển của dòng chảy sản xuất và thương mại, tỷ trọng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á đến một số khu vực.

“Ngành logistics Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khi có hệ thống cảng biển trải dài, các dịch vụ đang dần hoàn thiện. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá lớn vào ngành sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, giúp ngành logistics Việt Nam có cơ hội để tăng tốc”, ông Yap Kwong Weng nhận định.

Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định, dù ngành logistics đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng so với doanh nghiệp của các ngành khác thì doanh nghiệp ngành logistics thậm chí còn khó khăn hơn, vì đây là ngành non trẻ.

“Doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chính sách, thể chế đối với ngành còn thiếu và chưa đồng bộ; còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực…”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, các ngành khác đang chuyển mình rất nhanh khi ứng dụng khoa học công nghệ. Ngành logistics không chỉ đối mặt với lịch sử, mà còn đối mặt với sự phát triển của công nghệ. Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, các doanh nghiệp logistics muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc phải cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.

“Chúng tôi mong muốn, doanh nghiệp đóng góp các ý kiến để cơ quan nhà nước hoàn thiện chính sách nhằm kiến tạo, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đối với cộng đồng doanh nghiệp cần có quyết tâm cao hơn, tiếp tục tổ chức kinh doanh hiệu quả hơn để vượt qua các thách thức, thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Chuyển đổi để bứt phá

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các doanh nghiệp logistics cho rằng, sự dịch chuyển của dòng chảy sản xuất và thương mại vào Việt Nam là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá.

Nhằm tận dụng được các cơ hội, ông Đỗ Hoàng Phương, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại & Tiếp vận Bảo Tín cho rằng, doanh nghiệp logistics cần tận dụng cơ hội để tăng tốc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Sự dịch chuyển của dòng chảy sản xuất và thương mại vào Việt Nam là cơ hội để doanh nghiệp logistics bứt phá. doanh nghiệp cần chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tăng tốc phát triển.

Dẫn câu chuyện thực tế, ông Phương cho biết, doanh nghiệp ông tiến hành chuyển đổi số, giúp tự động hóa các quy trình, từ việc quản lý đội xe đến theo dõi lộ trình và tối ưu hóa kho vận. Nhờ đó, có thể giảm thời gian vận chuyển, hạn chế lãng phí và đảm bảo đúng tiến độ.

Mặt khác, việc tối ưu hóa quy trình và tiết kiệm nhiên liệu thông qua “xanh hóa” và chuyển đổi số có thể giảm đáng kể chi phí vận hành dài hạn, mang lại lợi thế tài chính và khả năng đầu tư vào các giải pháp công nghệ mới.

“Việc chuyển đổi số không chỉ giúp cải thiện năng suất, mà còn tăng tính minh bạch và dễ dàng theo dõi tiến độ dự án. Điều này tạo sự tin tưởng cho khách hàng và đối tác, giúp công ty nổi bật trên thị trường logistics bền vững”, ông Phương khẳng định.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp logistics đang tăng tốc đầu tư cảng biển, kho hàng, bến bãi để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc cảng Gemalink (Công ty cổ phần Gemadep) thông tin, doanh nghiệp đang khai thác cảng Gemalink tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, đóng vai trò huyết mạch trong kết nối giao thương giữa Việt Nam với các thị trường lớn gồm Mỹ, châu Âu và vùng nội Á.

Đón xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, Gemalink đang hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công Gemalink giai đoạn 2A, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2026.

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi phát triển bền vững, ông Phong cho biết, việc xây dựng hệ sinh thái cảng - logistics thông minh và xanh là mục tiêu và định hướng phát triển của Công ty cổ phần Gemadep. Đây cũng là xu hướng của ngành, của thế giới.

“Chúng tôi xác định, nếu không sớm triển khai thì sẽ đứng bên ngoài cuộc chơi. Thực tế, chúng ta đã bị muộn vì cảng Rotterdam (Hà Lan) triển khai mô hình cảng xanh từ năm 2000. Để hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc - COP26, trong đó cam kết Net Zero vào năm 2050 là một mục tiêu phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều của các cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp, cũng như của cả cộng đồng”, ông Phong nói về xu hướng cảng xanh.  

Nói thêm về kinh nghiệm của Gemadept, ông Cao Hồng Phong cho hay, doanh nghiệp đã thành lập Ban ESG (môi trường, xã hội và quản trị), thực hiện việc kiểm kê phát thải khí nhà kính tại các cảng của hàng năm, xây dựng lộ trình giảm phát thải, phát triển cảng xanh, đầu tư trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường. Gemadept cũng chuyển đổi sử dụng điện thay thế cho dầu diesel, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; sáng kiến trồng rừng Seed for Sea tại Vĩnh Long; ký hợp đồng với Ngân hàng HSBC thỏa thuận về tín dụng liên kết bền vững. Đây là dấu ấn xanh tiếp theo trong kế hoạch phát triển, tiếp cận dòng vốn xanh của Gemadept.

Đối với ngành logistics, việc chuyển đổi xanh hóa, nếu chỉ thực hiện từ một phía thì chưa mang lại hiệu quả. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn, cần có sự đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành.

Theo đó, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt các loại phí, lệ phí, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính nguồn vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định.

Riêng đối với doanh nghiệp khai thác cảng, cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua phát triển hạ tầng kết nối, tăng cường kết nối cảng với các hệ thống giao thông khác như đường bộ, đường sắt, đường hàng không để tạo ra mạng lưới logistics hiệu quả.

Ngoài ra, cần có chính sách, cơ chế, khuyến khích các cảng đầu tư để phát triển cảng thông minh, bền vững. Ví dụ, điều chỉnh giá bốc xếp cảng biển vì hiện vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới, giúp cảng có thêm nguồn thu bổ sung để tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số, xanh hóa cảng biển.

Tin liên quan
Tin khác