Văn phòng làm việc chia sẻ (coworking space) Dream Station của Hivelab. |
Chờ màn ra mắt
Thị trường coworking space vừa nín thở sau sự cố WeWork và màn ứng phó, giải cứu của đại gia viễn thông Nhật Bản SoftBank. Nhà đầu tư này đã chi 9,5 tỷ USD để mua 80% cổ phần giải cứu WeWork và tìm cách lật ngược tình thế cho công ty này, sau IPO bất thành tháng trước.
Những tưởng sự cố WeWork sẽ khiến giới đầu tư hoài nghi về mô hình kinh doanh coworking space trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thế nhưng, những gì diễn ra trên thị trường đang cho thấy sự cố kinh doanh của WeWork không mang tính đại diện cho cả thị trường coworking space. Các tên tuổi còn lại không bị ảnh hưởng nhiều, thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Ngoài những người chơi cũ như Toong, Cogo, Dreamplex, UP Co-working Space đã phát triển nhiều điểm, thì có vô vàn các tên tuổi nhỏ lẻ như TikTak, Kicoworking, BK Hub, Up, Hatch! Nest, iHouse, DESKA, HanoiHub, HubIT, Coffice, Clickspace, Nest by AIA, Work Saigon, Saigon Coworking, Start Saigon, Kafnu, Circo… vẫn âm thầm chiến đấu.
Gần đây, thêm tân binh ngoại đang háo hức được ra sân thi đấu, đó là Dream Station của Hivelab Vina - thành viên của start-up đình đám đến từ Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ, thiết kế web, phát triển game.
Ông Tony Suh Haesung, Giám đốc điều hành của Hivelab Vina cho rằng, sự cố kinh doanh của WeWork là hệ quả của những sai lầm trong điều hành doanh nghiệp của cựu CEO, kiêm nhà sáng lập Adam Neumann. Đó là quản lý kiểu gia đình, tiêu pha xa xỉ cho mục đích cá nhân, không chịu lắng nghe, đến các sai sót trong hệ thống kế toán không theo chuẩn mực, hay việc đầu tư không có mục đích rõ ràng của người lãnh đạo.
“Nếu có đủ tiềm lực tài chính và có nhân sự quản lý đủ tốt, thì việc đầu tư của bạn vào thị trường này vẫn còn rất nhiều cơ hội rộng mở”, ông Tony Suh Haesung nói.
Tiềm năng phát triển của thị trường coworking space được đánh giá vẫn rất lớn. Báo cáo Global Coworking Growth Study 2019 cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng của ngành này trên thế giới có thể đạt 9,5% trong năm nay. Đến năm 2022, tỷ lệ này trên thế giới sẽ đạt trên 25%, tăng 42% so với năm 2019.
Việt Nam đứng thứ 31 trong Top 50 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về coworking spaces cao nhất thế giới. Theo thống kê, thị trường này ở Việt Nam có mức tăng trưởng đến 62% trong năm 2017 và 58% trong năm 2018. Dự đoán, năm 2019 vẫn có mức tăng trưởng nóng do nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nhu cầu mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước lớn.
Tại một thị trường mà đến 90% doanh nghiệp được xếp vào loại vừa và nhỏ (SMEs), hơn 30% là dân số trẻ (dưới 34 tuổi), thì môi trường làm việc chung chính là giải pháp lý tưởng cho các start-up và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những mô hình làm việc phá cách như thế này mang đến một trải nghiệm làm việc mới lạ, giúp thu hút nhân tài trẻ gia nhập tổ chức. Việc đặt nơi làm việc tại không gian làm việc chung cũng mang đến một hình ảnh mới mẻ, hiện đại cho các doanh nghiệp, cho thấy sự đầu tư của họ vào chất lượng làm việc và phúc lợi của nhân viên.
Giới đầu tư cũng như thị trường văn phòng cho thuê đang hóng màn ra mắt của tân binh tới từ Hàn Quốc này, kỳ vọng tạo ra làn gió mới trên thị trường. Vấn đề là khi ra sân thi đấu, tân binh này sẽ đá ở vị trí nào, chiến thuật ra sao.
Khởi đầu chinh phục ước mơ của các doanh nhân
Dream Station ra đời trước tiên xuất phát từ chính nhu cầu mở rộng văn phòng của Hivelab Vina. Ngay sau khi đặt chi nhánh tại Keangnam, Hivelab Vina đã phát triển nhanh chóng, với số lượng nhân sự phình to. Trong quá trình khảo sát các giải pháp văn phòng, Hivelab Vina nhận thấy có rất nhiều công ty cũng đang gặp khó khăn tương tự, đồng thời cũng thấy được tiềm năng to lớn của thị trường coworking space, chính vì vậy, Hivelab Vina đã cho ra đời Dream Station.
Với mạng lưới đối tác lớn trong lĩnh vực IT, start-up ở Hàn Quốc cũng như ở Việt Nam, Hivelab Vina kỳ vọng Dream Station không chỉ đáp ứng được việc mở rộng kinh doanh của mình trong cung cấp dịch vụ công nghệ và thiết kế, mà sẽ trở thành sân chơi chung cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Tony Suh Haesung tiết lộ, Dream Station tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, dự tính 70% là doanh nghiệp Việt Nam, 30% là doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu các công ty công nghệ Hàn Quốc.
Điều khiến vị CEO trẻ này tự tin là Dream Station sở hữu hạ tầng, vật chất cao cấp nhất so với các coworking space hiện có ở Hà Nội. Toàn bộ thiết kế do nhà thiết kế Hàn Quốc làm, tạo nên thẩm mỹ độc đáo và trải nghiệm khác biệt. Chính sách giá cạnh tranh giảm 30% so với giá chung thị trường.
Mặc dù đây chỉ là mảng cộng thêm của Hivelab Vina, song ông Tony Suh Haesung cũng kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 10% doanh thu cho công ty mẹ trong vài năm tới. Dự tính, sau khi địa điểm đầu tiên ở Hoàng Đạo Thuý (Hà Nội) hoạt động ổn định, Dream Station tiếp tục mở thêm 2 điểm mới ở Thủ đô trước khi có mặt ở TP.HCM.
“Là công ty có nền tảng vững chắc về công nghệ, thiết kế, chúng tôi có nhiều kỳ vọng vào mảng kinh doanh mới này, nhưng cũng không đặt quá nhiều áp lực, vì đây là mảng kinh doanh mới và cần thời gian để hoàn thiện, mở rộng”, ông Tony Suh Haesung nói.
Với cách đi nhẹ nhàng và kín đáo, lúc này Dream Station có thể chưa gây sóng cho thị trường. Các tên tuổi đang hoạt động tích cực trên thị trường này cảm thấy chưa có biến động gì lớn.
Hiện trên thị trường, Toong gần như là tay chơi đang nắm phần “chia bài” và cầm trịch với phong độ ổn định. Toong sở hữu 18.000 m2 cho thuê ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Lào và Campuchia. Trong 2 năm tới, sẽ có thêm khoảng 50.000 m2 được Toong đưa vào vận hành và khai thác kinh doanh.
“Tốc độ và hiệu suất của Toong không phải ai cũng làm được. Toong cứ theo tốc độ của mình thôi”, ông Đỗ Sơn Dương, đồng sáng lập và điều hành của Toong nói vậy.
Còn ông Trần Xuân Kiên, sáng lập Cogo cũng chỉ quan tâm tới những đối thủ mở mạnh theo chuỗi. Theo ông Kiên, thị trường này tăng trưởng mạnh, nhiều người cùng nhảy vào làm, nhưng đa số vẫn đang lỗ. Hiện Cogo vẫn dừng ở 4 điểm tại thị trường Hà Nội sau gần 2 năm ra mắt. Còn một điểm ở toà nhà FLC (Cầu Giấy, Hà Nội) đầu năm sau mới bàn giao.
Tay chơi ngoại phấn khích
Cuộc cạnh tranh càng trở nên sôi động với sự gia nhập của nhiều thương hiệu coworking space ngoại hơn. Tất cả cùng tham gia vào cuộc chiến tranh giành thị phần.
“Mọi tay chơi đều đang cố gắng để có thể mang đến những dịch vụ và ưu đãi tốt hơn, nhằm thu hút đối tượng khách hàng mới, cũng như giữ chân khách hàng có sẵn”, ông Chris Edwards, Tổng giám đốc Kafnu (thương hiệu coworking của Next Story Group đến từ Ấn Độ) cho hay. Kafnu hướng đến đối tượng khách hàng trẻ thuộc thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) và Gen Z (những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi).
Trong khi đó, Wework nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp, văn phòng chuẩn hạng A, với diện tích cực lớn, chi phí đầu tư đắt, thiết kế cao cấp, có nhiều quỹ đầu tư hỗ trợ.
Giờ đây, “tân binh” Dream Station bám vào làn sóng ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp Hàn Quốc muốn phát triển tại thị trường Việt Nam. Hivelab Vina chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội lấy lòng khách hàng Việt Nam bằng văn hoá kinh doanh Hàn Quốc.
Các doanh nhân Hàn Quốc thường tùy cơ ứng biến hơn là áp dụng các nguyên tắc kinh doanh thông thường. Cảm nhận và kinh nghiệm được coi trọng hơn những kết quả thu được từ thực tiễn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ bỏ qua những khía cạnh quan trọng khác, đó là nắm bắt thông tin nhanh chóng. So với các nước khác ở châu Á, người Hàn Quốc có thể đối mặt với mọi khó khăn một khi họ nắm rõ được kế hoạch hoặc lường trước được mọi tình huống có thể xảy ra.
Liệu tân binh Hivelab với con bài Dream Station có chơi tốt ở mọi vai trò, người chơi chính hay trên hàng ghế dự bị vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng không hề quá lời nếu nói rằng, sự thành bại của các tay chơi trên sàn đấu này không phụ thuộc vào chiến thuật “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Chỉ những người có thương hiệu nổi bật và kết nối mật thiết đến một nhóm khách hàng cụ thể mới có cơ hội ghi bàn.