Lợi thế về địa lý, giao thông hết sức thuận lợi, có đường bộ, đường sắt và đường thủy đi qua địa bàn đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Đức Thọ phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế. Bên cạnh những điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đất đai rộng lớn đã tạo cho Đức Thọ có nguồn lực kinh tế phong phú về tiềm năng và lợi thế, để từ đó có thể khai thác, phát triển nền kinh tế trên nhiều phương diện.
Đức Thọ có quỹ đất phong phú với 11.000 ha đất nông nghiệp, 3.000 ha đất lâm nghiệp, 884 ha đất nuôi trồng thủy sản, còn lại là các loại đất khác. Trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển tương đối đồng đều.
Các doanh nghiệp ký vào bản ghi nhớ đầu tư vào địa bàn huyện Đức Thọ |
Để phát huy toàn diện và hiệu quả hơn, Đức Thọ đã quy hoạch, mở rộng và có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Thái Yên có tổng diện tích 15,25 ha, với tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Trường Sơn đang trên đà phát triển với giá trị sản xuất năm 2015 đạt gần 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 80 lao động; Cụm công nghiệp Yên Trung với qui mô 69 ha, hiện nay đã có 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn gần 25 tỷ đồng.
Nhiều sản phẩm hàng hóa của Đức Thọ đã có chỗ đứng trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Nguồn lực lao động tại chỗ hết sức dồi dào, với khoảng 57.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ đã qua đào tạo chiếm 48%, đủ đáp ứng cho nhu cầu hiện nay.
Tại Hội nghị, đã có 22 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết bản ghi nhớ đầu tư vào địa bàn để sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại…