Khu đô thị mới Đa Phước. |
Xin không thu hồi
Dự án Khu phức hợp đô thị quốc tế Đa Phước thuộc quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) gồm 2 dự án: The Sunrise Bay (181 ha) và Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước (29 ha). Hai dự án này được khởi động năm 2016, với kỳ vọng sẽ tạo ra chuỗi đô thị đẳng cấp, rộng lớn giữa trung tâm TP. Đà Nẵng.
Tuy nhiên, không lâu sau khi khởi công xây dựng, 2 dự án trên buộc phải dừng thi công, khi cơ quan chức năng thanh tra, điều tra làm rõ các sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai ở Đà Nẵng.
Cuối tháng 4/2021, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã báo cáo về việc tháo gỡ vướng mắc cho 2 dự án này. Theo đó, thông báo bổ sung bản án của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội giao TP. Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho công dân.
Nhưng chính quyền TP. Đà Nẵng cho rằng, việc thực hiện 2 nội dung trên là không thể. Hiện Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã chuyển nhượng cho người dân vào ở trong Dự án. Do vậy, khi thu hồi Dự án, phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao đất cho các hộ dân không thực hiện được, lý do là không giao đất trực tiếp, mà phải thông qua đấu giá. Trong khi đó, phán quyết của tòa án là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này, nên việc này rất khó thực hiện trên thực tế.
Ngoài ra, việc thu hồi đất sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Do vậy, theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, để đảm bảo sớm tiếp tục triển khai Dự án nhằm ổn định tình hình và an ninh trật tự, Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện nội dung: “Kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước với các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án 29 ha”, và cho phép không thực hiện nội dung tại bản án về thu hồi khu đất 29 ha.
Dễ khiếu kiện quốc tế
Cùng với việc nhìn nhận những hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực về tài nguyên, môi trường, sử dụng đất đai, xây dựng…, UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết, đang gặp một số khó khăn trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và bản án của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội (tháng 5/2020) đối với một số dự án, trong đó có Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước và Sunrise Bay.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc tiến hành thu hồi 2 dự án trên gặp nhiều vướng mắc pháp lý, có yếu tố nước ngoài, dễ nảy sinh khiếu kiện quốc tế. Đối với 29 ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật dân sự, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã nhận chuyển quyền sử dụng khu đất 29 ha của Công ty cổ phần Xây dựng 79 thuộc trường hợp không thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận và quyền sử dụng đã cấp. Do đó, khi thu hồi dự án 29 ha, có thể xảy ra khiếu kiện của Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước, ngoài ra, sẽ tác động đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn Quốc) - công ty đã tiến hành san lấp khu đất và góp vốn liên doanh với Công ty cổ phần Xây dựng 79.
UBND TP. Đà Nẵng cũng bày tỏ lo ngại, khi thu hồi phải thực hiện bồi thường về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư. Do đó, ngân sách cần số tiền rất lớn để bồi thường giá trị tài sản mà Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã đầu tư vào Dự án. Ngoài ra, sau khi thu hồi tài sản, việc sử dụng tài sản như thế nào là vấn đề rất khó thực hiện, dễ dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản.
Đại diện lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trước những khó khăn, vướng mắc trên, Thành phố kiến nghị làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để đề xuất cơ chế, chính sách, phương án tháo gỡ trong quản lý đất đai, đầu tư nhằm tạo động lực cho sự phát triển của Thành phố.