Điểm nóng
Đừng để địa phương dám làm hay không đều có… tội - Bài 2: Luật thiếu sót, vẫn phải xử lý địa phương
Ngô Nguyên - 23/09/2023 09:09
Lãnh đạo nhiều địa phương phải tổ chức kiểm điểm, song lại đến từ lỗi khách quan... do luật gây ra.
Nhìn vào sai phạm của nhiều tỉnh, thành phố phía Nam trong việc khai thác, cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm quốc gia, có thể thấy, sự chồng chéo của nhiều luật khiến chính quyền địa phương nhiều tỉnh “run tay”, dễ rơi vào cảnh dám làm hay không đều… trật luật. Thay đổi là cần thiết, bởi sẽ còn hàng loạt dự án trọng điểm tiếp tục triển khai, như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP.HCM...

Bài 2: Luật thiếu sót, vẫn phải xử lý địa phương

Chủ tịch, phó chủ tịch và các sở, ngành chuyên môn của 2 tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai đều phải chịu trách nhiệm, phải tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý… do áp dụng Luật Khoáng sản chưa chính xác, để lượng vật tư tung ra thị trường, thay vì cung cấp cho dự án trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, lỗi khách quan gây nên lại do luật.

Đồng Tháp sai… may mắn

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp không cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (cũng là dự án giao thông trọng điểm quốc gia), mà do đơn vị thi công tự hợp đồng với trung gian.

Tuy nhiên, việc tỉnh Đồng Tháp cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường lại có vấn đề.

Đó là, theo Nghị định 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ, khu vực hoạt động khoáng sản đã được cấp phép trước khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2011) sẽ không thuộc khu vực phải tổ chức đấu giá quyền được khai thác và nếu giấy phép còn hiệu lực, thì doanh nghiệp khai thác vẫn được tiếp tục hoạt động tới hết hạn.

Một mỏ đất tại Đồng Nai cung cấp đất cho Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cũng tức là, sau khi giấy phép cho các trường hợp trên hết hạn, UBND tỉnh Đồng Tháp phải rà soát để khoanh định khu vực đấu giá hoặc không đấu giá quyền khai thác. Trong trường hợp không đấu giá, thì khi cấp phép, cần xác định chỉ để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, theo Luật Khoáng sản và Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Khoáng sản.

Nhưng sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, UBND tỉnh Đồng Tháp không làm như vậy, mà đã cấp gia hạn 12 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích hơn 753 ha, trữ lượng hơn 25.000.000 m3.

Cho tới tháng 2/2023, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp mới có Văn bản số 129/VPUBND-ĐTXD truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch tỉnh này về việc rà soát các danh mục khoáng sản, vị trí…, tổ chức đấu giá, không đấu giá; cho phép gia hạn 14 giấy phép đang còn hiệu lực hoạt động được khai thác tới ngày 30/6/2023, sau đó mới tổ chức đấu giá.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc làm trên của Đồng Tháp tuy phạm luật, nhưng “may mắn”, trong số 12 giấy phép được gia hạn, có giấy phép yêu cầu đơn vị khai thác ưu tiên cung ứng cát cho các công trình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công trình có sử dụng vốn đầu tư công; có giấy phép thể hiện toàn bộ khối lượng cát khai thác chỉ để phục vụ công trình sử dụng vốn đầu tư công.

Như vậy, theo luật, khi không phải đấu giá, các doanh nghiệp được quyền khai thác buộc phải cung cấp cho công trình nhà nước. Nhưng với giấy phép gia hạn của Đồng Tháp, việc “bắt buộc” chỉ còn là “ưu tiên”. Từ đó dẫn tới, một lượng lớn cát khai thác được cung ứng ra thị trường, thay vì dành hết cho công trình đầu tư công.

Đồng Nai để lọt vật liệu cho dự án công ra thị trường

Đồng Nai được khen là đột phá trong việc hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, thu gom vật liệu để cung cấp cho Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ cấp phép 6 mỏ đá có cung cấp cho Dự án, thay vì chỉ cho phép khai thác hết hạn theo giấy phép theo quy định tại khoản 1, Điều 84, Luật Khoáng sản 2010, Thanh tra Chính phủ phát hiện, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành 2 quyết định gia hạn giấy phép khai thác đá và một quyết định điều chỉnh diện tích và tăng thời hạn khai thác đá không đúng.

Đó là Quyết định số 4421/GP-UBND ngày 8/7/2017 gia hạn giấy phép khai thác tại mỏ đá Soklu 1 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm với thời hạn 10 năm tính từ ngày 1/11/2017, trong khi Công ty này chỉ được khai thác đến ngày 18/12/2017.

Bên cạnh đó là Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 11/7/2017 điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ đá Soklu 2 (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) từ Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa qua Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa). Quyết định này tăng thời hạn khai thác 6,2 năm, lên 12 năm 1 tháng kể từ ngày 23/3/2011, trong khi giấy phép cấp cho Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa đã hết thời hạn khai thác.

Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa được khai thác tại mỏ đá xây dựng Soklu 5 (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) theo Quyết định 2269/QĐ-UBND ngày 1/9/2010, với thời hạn khai thác đến ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, đến năm 2014 và 2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Giấy phép khai thác số 4018/GP-UBND ngày 22/12/2014 (thay thế cho Quyết định số 2269/QĐ-UBND) và số 177/QĐ-UBND ngày 7/7/2020 (thay thế cho Giấy phép số 4018/GP-UBND), qua đó tăng diện tích khu vực hoạt động khoáng sản từ 23 ha lên 30,5 ha và tăng thời hạn khai thác lên 11 năm 6 tháng, tính từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/6/2026.

Cả 3 trường hợp trên đều không được UBND tỉnh Đồng Nai xác định khai thác để cung cấp cho công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các công trình theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 22, Nghị định 158/2016/ND-CP của Chính phủ.

Luật thiếu hướng dẫn, nhưng vẫn phải xử

Thanh tra Chính phủ cho rằng, cái sai nêu trên của cả 2 tỉnh (Đồng Tháp, Đồng Nai) là do chính quyền và cơ quan chuyên môn áp dụng quy định luật chưa chính xác.

Nguyên nhân sai, về mặt khách quan, theo Thanh tra Chính phủ, đều do Luật Khoáng sản 2010 có quy định về việc các giấy phép đã cấp trước ngày 1/7/2011 được hoạt động khai thác đến hết thời hạn ghi trong giấy phép, nhưng lại không có hướng dẫn thi hành cụ thể.

Thế nên, với Đồng Tháp, theo Thanh tra Chính phủ, khối lượng cát được khai thác cũng nhằm phục vụ nhu cầu bức thiết của xã hội; sau khi được cấp phép khai thác, các doanh nghiệp đã nộp tiền cấp quyền khai thác và kê khai nộp các loại thuế theo quy định; UBND tỉnh Đồng Tháp về sau cũng đã có chỉ đạo rà soát, cho phép các giấy phép đang hoạt động được khai thác đến ngày 30/6/2023, sau đó tổ chức đấu giá.

Tuy nhiên, vi phạm của địa phương vẫn cần được xem xét, làm rõ và xử lý và trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cá nhân tổ chức khác liên quan.

Còn với Đồng Nai, việc cấp phép đã dẫn tới một khối lượng đá được khai thác và cung ứng ra thị trường, thay vì dành trọn cho dự án có vốn đầu tư công, nên dù các doanh nghiệp khai thác đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí theo quy định, nhưng vi phạm vẫn phải được xem xét xử lý.

Tương tự Đồng Tháp, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phải…chịu trách nhiệm.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xem xét, xử lý phù hợp với quy định đối với tập thể, cá nhân có khuyết điểm vi phạm trong việc gia hạn giấy phép khai thác đá không đúng quy định tại khoản 1, Điều 84, Luật Khoáng sản năm 2010 và việc cấp phép khai thác đá tại khu mỏ đã khoanh định thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác, nhưng tỉnh này lại không chỉ định cung cấp cho công trình dự án đầu tư công theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Qua quá trình kiểm điểm, xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu  phạm tội, thì chuyển sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra xem xét theo thẩm quyền. Thu hồi đối với giấy phép được cấp, gia hạn, tăng thời hạn không đúng quy định của pháp luật.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bị đề nghị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, qua đó xem xét xử lý phù hợp theo quy định đối với cá nhân, tập thể vi phạm trong việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản không đúng quy định theo Luật Khoáng sản và việc cấp phép khai thác cát tại khu mỏ đã khoanh định thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác, nhưng lại không chỉ định xác định cung cấp riêng cho công trình dự án đầu tư công.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và đầu tư để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Vướng mắc cụ thể là, theo khoản 1, Điều 51, Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với nhà đầu tư trong nước phải có quyết định chủ trương đầu tư.

Theo khoản 4, Điều 29, Luật Đầu tư năm 2020, để được cấp quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất, trong khi theo điểm đ, khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013, thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thuộc trường hợp thu hồi đất, mà nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân để có đất.

Sự chồng chéo, “đá” nhau giữa các quy định trên dẫn tới việc cấp phép khai thác khoáng sản rất mất thời gian. Trong trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với người dân, thì không thể thực hiện các thủ tục tiếp theo để khai thác vật liệu san lấp cho dự án, kể cả dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Tin liên quan
Tin khác