Thời sự
Đừng để doanh nghiệp hoài nghi
Bảo Duy - 11/09/2017 08:50
Một lần nữa, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cam kết sẽ tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp về việc sửa quy định liên quan đến xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Lần này, cam kết cũng được đưa ra tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào cuối tuần qua.
Các doanh nghiệp chờ để thực sự tin vào các cam kết của các bộ, ngành trong việc gỡ bỏ các rào cản kinh doanh. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp lại một lần nữa chờ đợi.

Họ chờ để được thực hiện đúng nguyên tắc mà đại diện các bộ, ngành, cũng như doanh nghiệp đã thống nhất. Đó là với nhóm sản phẩm thuộc diện công bố phù hợp an toàn thực phẩm, chiếm phần lớn, sẽ do doanh nghiệp thực hiện công bố và chịu trách nhiệm theo đúng bản chất của từ này, không cần thêm bất cứ thủ tục xác nhận nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhóm sản phẩm nguy cơ cao (không nhiều) cần sự thẩm định sẽ được phân định rõ cả từ dòng sản phẩm đến quy trình, thủ tục.

Mọi cam kết sẽ được thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nhưng trên hết, các doanh nghiệp chờ để thực sự tin vào các cam kết của các bộ, ngành. Đặc biệt, họ chờ đợi điều mà Phó thủ tướng đã nhắc lãnh đạo các bộ, ngành. Đó là không vì công việc và thu nhập của các đơn vị kiểm định, mà làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết với cộng đồng doanh nghiệp. Mọi quy định sẽ được xây dựng theo đúng yêu cầu quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không vì lý do gì mà đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đang rất muốn nhìn thấy những hành động theo đúng hướng này, để dồn thời gian, công sức cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thay cho những cuộc đối thoại triền miên.

Hơn 4 tháng trước, vào ngày 13/5/217, cũng trong cuộc đối thoại tương tự, cam kết này đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đưa ra. Khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm tưởng như đã chấm dứt gánh nặng chi phí và thời gian khi đại diện Bộ Y tế cho rằng, nếu căn cứ vào Luật An toàn thực phẩm thì đề nghị bỏ quy định về công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là hợp lý bởi Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn. Đây cũng là lý do mà Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ cho phép nới thời hạn trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP thêm 3 tháng.

Nhưng, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP được trình Chính phủ sau đó đã không thể hiện được tinh thần như cam kết đưa ra. Các cuộc đối thoại được nối lại, nhưng sự hào hứng trước những lời cam kết dường như đã giảm đi.

Có lẽ phải nhắc thêm cam kết với doanh nghiệp cũng từ phía Bộ Y tế về việc không kiểm nghiệm hàm lượng I - ốt trong thực phẩm đã chế biến. Cam kết này được đưa ra cũng trong  một cuộc đối thoại hồi tháng 3/2017 với các doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Nhưng đến giờ, đã tháng 9/2017, các thành viên Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM tiếp tục gửi kiến nghị tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này.

Hiện doanh nghiệp đang chờ cam kết bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương ngay trong năm 2017, trong đó có các điều kiện kinh doanh gạo, khí gas…  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cam kết thống nhất đầu mối kiểm dịch mặt hàng tươi sống…

Thủ tướng Chính phủ đang đề nghị các bộ, ngành rà soát toàn bộ các quy định về điều kiện kinh doanh trên cơ sở đề xuất bãi bỏ hơn 2.000 điều kiện trong tổng số khoảng 4.300 điều kiện kinh doanh hiện hành.

Đừng để doanh nghiệp hoài nghi về các cam kết từ phía bộ, ngành.

Tin liên quan
Tin khác