Chắc chắn, đây sẽ là sự kiện lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Nhất là khi, họ đã chờ đợi thông tin này đã 2 năm nay, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhưng sự chờ đợi của các doanh nghiệp cũng đang đặt gánh nặng trách nhiệm lên các cán bộ của Quỹ, vì trong 2 năm qua, đây là khu vực doanh nghiệp phải đối mặt nhiều nhất với khó khăn.
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp của Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cho thấy, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp đang có xu hướng tỷ lệ thuận với quy mô.
Năm 2015, 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp vừa thu lỗ, trong khi chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn cùng cảnh ngộ.
Trong Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, ngay với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, thì hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đang giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây, kéo ROA và ROE chung của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giảm xuống. Đặc biệt, ROA của doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ diễn biến phức tạp hơn, trồi sụt rất mạnh, so với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Năm 2014, doanh nghiệp nhỏ phải bỏ ra 100 đồng mới thu về được 3,2 đồng.
Hiện tượng này xuất hiện có thể bởi một số doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức tồn tại trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, khó tiếp cận vốn ngân hàng do đã thế chấp hết tài sản đã có và hiện lại không thể dùng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho vay. Đặc biệt, cho đến thời điểm này, tìm kiếm nguồn vốn vẫn đang đứng đầu bảng các khó khăn lớn nhất của doan nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Hệ quả là chỉ có khoảng 43% doanh nghiệp siêu nhỏ, 54% doanh nghiệp nhỏ tính tới việc mở rộng quy mô trong hai năm tới, thấp hơn mức 66% của doanh nghiệp vừa và lớn. Đặc biệt, có tới 8% doanh nghiệp siêu nhỏ và 6% doanh nghiệp nhỏ cho biết có thể phải giảm quy mô, thậm chí là đóng cửa dó khó khăn quá. Số này ở doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chỉ là 2%.
Lúc này, sự có mặt của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với mô hình là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng khẳng định quyết tâm của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động các nguồn lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Mục đích hoạt động của Quỹ còn là giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp…
Sự hỗ trợ sẽ không thuần túy là vốn, mà là cải thiện năng lực cạnh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn lên. Nghĩa là một mình Quỹ hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không thể hoàn tất.
Dự kiến, tham dự lễ ra mắt Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không chỉ có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà còn có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và quốc tế, những ngân hàng nhận ủy thác... Nếu có một cam kết hành động chung vì sự lớn lên của doanh nghiệp nhỏ và vừa được đưa ra, thì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ an tâm hơn rất nhiều.