Doanh nghiệp
Hãy nghĩ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bảo Duy - 15/01/2016 13:23
Khung khổ pháp lý về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không còn là việc phải bàn. Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký thành lập đã bắt đầu những phiên họp đầu tiên.

Một không gian chính sách đủ để thúc đẩy khu vực DNNVV lớn lên, cạnh tranh hơn; thúc đẩy hơn 1,4 triệu hộ kinh doanh muốn trở thành doanh nghiệp và thúc đẩy các cá nhân có ý tưởng tham gia vào hoạt động kinh doanh đang được các nhà hoạch định chính sách bàn tới.

Nhưng, có lẽ trước khi đi tới các điều khoản cụ thể, cộng đồng DNNVV muốn nhắc tới hiện trạng không thực sự như mong đợi trong hệ thống chính sách trợ giúp họ, đã được xây dựng và hoàn thiện dần từ 15 năm nay, tính từ Nghị định 90/2001/NĐ-CP đến Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp DNNVV.

Chưa có một doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV

Những khúc mắc cả trong xây dựng và thực thi chính sách đang đòi hỏi những thay đổi lớn về tư duy, quan điểm và cách tiếp cận.

Đặc biệt, cũng cần phải làm rõ vai trò của Nhà nước (là chủ thể lựa chọn các chương trình hay là người tạo khung khổ để thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, của hiệp hội doanh nghiệp trong đề xuất nội dung) trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trước khi bắt tay vào những điều khoản cụ thể.

Thử điểm danh hàng loạt chính sách trợ giúp về tài chính – nhu cầu thường được xếp đầu tiên khi nhắc tới DNNVVV, phần lớn chưa đến được các doanh nghiệp. Như, Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa phát sinh khoản bảo lãnh tín dụng nào cho DNNVV kể từ năm 2011 (thời điểm có quy chế). Hay Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã hình thành ở 25 tỉnh, thành phố với vốn điều lệ đăng ký khoảng 1.300 tỷ đồng, nhưng số quỹ hoạt động hiệu quả chưa đếm hết trên một bàn tay.

Riêng Quỹ Phát triển DNNVV có quyết định thành lập từ năm 2013, được coi là định chế tài chính nhàn ước đầu tiên dành riêng cho DNNVV, đến nay mới nhận được 500 tỷ đồng vốn điều lệ cho năm 2015. Sẽ có thêm 500 tỷ đồng vào năm 2016, nhưng quy chế ủy thác cho vay và quy định về lãi suất cho vay của Quỹ vẫn chưa được hoàn thiện. Nghĩa là chưa có một doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ này.

Tình hình tương tự với 8 nhóm chính sách trợ giúp khu vực DNNVV. Đặc biệt, không thể bỏ qua hạn chế trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và chính quyền địa phương trong vấn đề này. Hiện nay, hầu hết các bộ, ngành triển khai độc lập các chính sách, chương trình của mình, thiếu sự liên kết để tập trung nguồn lực vào các nhóm DNNVV ưu tiên, nên tác động lan tỏa của các chính sách rất hạn chế. Ở địa phương, mới chỉ có khoảng 13 trong số 63 tỉnh, thành phố có đơn vị đầu mối thực hiện trợ giúp DNNVV với khoảng 200 cán bộ chuyên trách. Hầu hết các địa phương chưa bố trí ngân sách riêng cho hoạt động này.

Đó là chưa kể một số chính sách vẫn nằm trên giấy do không được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành tương ứng.

Vì vậy, mặc dù hàng năm, Chính phủ đã bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho DNNVV, nhưng hiện nay không thể đo lường được hiệu quả thực hiện, cũng như đánh giá tác động rõ rệt đối với các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới hơn 80% chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV không đánh giá được kết quả. Việc thống kê tỷ lệ DNNVV tiếp cận được các chương trình hỗ trợ gần như là cảm tính.

Rõ ràng, gánh nặng công việc đang đặt lên vai Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Dự án DNNVV. Nhưng lúc này, các DNNVV, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp phải sẵn sàng lên tiếng.

Tin liên quan
Tin khác