Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ và tránh những quy định gây khó đối với sản xuất, kinh doanh Ảnh: Đ.T |
Có thể gọi đúng là phí để minh bạch?
Thất vọng là điều mà ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh khi nhắc đến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
“Tại sao ở thời điểm này, khi doanh nghiệp gần như đã kiệt sức, khi Chính phủ liên tục cam kết không tạo thêm khó khăn, không tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp…, mà các bộ, ngành vẫn có thể đề xuất những khoản thu với cách tính có quá nhiều điểm bất hợp lý, thiếu minh bạch?”, ông Nam đặt vấn đề khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Khoản thu mà ông Nam nhắc đến là khoản “đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam”, quy định tại Điều 88 của Dự thảo. Cùng với đó, Văn phòng Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu Việt Nam (EPR) sẽ được thành lập để quản lý quỹ này.
Cuối tháng 8/2021, trong cuộc hội thảo về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu vấn đề này vì cho rằng, với ý nghĩa bắt buộc của khoản đóng góp, thì đây là một khoản phí, tương tự như phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hay với khai thác khoáng sản và cần được quản lý theo quy định pháp luật về phí.
Khi đó, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích, khoản đóng góp theo Dự thảo không đáp ứng định nghĩa phí trong Luật Quản lý phí, lệ phí, vì không có đơn vị cung cấp dịch vụ công. Hơn thế, nếu gọi là phí thì phải nộp vào ngân sách và như vậy không dùng được cho mục đích bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp không đồng tình. Trong văn bản mới nhất mà 7 hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa tham gia góp ý cho Dự thảo, ý kiến tiếp tục là cần xác định rõ đây là một khoản phí và tuân thủ quy định pháp luật về phí. Việc thành lập Văn phòng EPR cũng được cho là không phù hợp khi Văn phòng EPR thu tiền để tái chế thay cho doanh nghiệp, nhưng Dự thảo không có quy định chế tài cho đơn vị này nếu không hoàn thành trách nhiệm…
Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp này, gồm VASEP, EuroCham, AmCham, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Điện tử Việt Nam và Công ty Canon Việt Nam thậm chí còn lo rằng, với quy định của Dự thảo, doanh nghiệp vẫn phải nộp tiền, nhưng môi trường lại không được làm sạch.
Thêm nữa, những nghi ngại về công thức tính phí, cơ chế quản lý thu - chi rất lớn khi được gọi là khoản thu. Theo các doanh nghiệp, các việc này cần có sự tham gia trực tiếp hoặc chủ trì của Bộ Tài chính, căn cứ thông lệ quốc tế và lộ trình thực hiện ở Việt Nam.
Đặc biệt, 7 hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời gian áp dụng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì của doanh nghiệp đến ngày 1/1/2025, thay vì năm 2024 như Dự thảo.
“Doanh nghiệp cần thêm một khoảng thời gian, nguồn lực để tổ chức lại sản xuất, phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Nam lý giải.
Cắt giảm các khoản thu cho doanh nghiệp
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đa số doanh nghiệp không còn gì để nộp.
“Chính phủ phải ra tay hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trở lại, hồi phục nhanh để có nguồn tiền. Thứ nhất, cần tiếp tục các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, như giãn, hoãn các khoản phải nộp. Thứ hai, các hình thức quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ dự phòng tài chính cũng cần được xem xét, tham gia để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có tiềm năng, cơ hội phục hồi nhanh, mạnh trong lúc này”, ông Thiên đề xuất.
Trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, vấn đề ông Thiên lo ngại hơn cả là khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang thu hẹp, vì doanh nghiệp yếu đi, việc đứt chuỗi sản xuất, không còn hoặc giảm đơn hàng.
“Ngân hàng không thể giảm lãi suất mãi được vì có giới hạn an toàn để bảo vệ hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng tới hạn, thì Chính phủ ra tay, hỗ trợ bù lãi suất. Ngân hàng cần giám sát các khoản vay một cách chặt chẽ, nhưng đừng quá nghiệt ngã. Đặc biệt, các khoản chi phí, khoản phải nộp của doanh nghiệp lúc này phải được tiết giảm tối đa, để doanh nghiệp có tiền dồn cho phục hội sản xuất - kinh doanh”, ông Thiên nói thêm.
Đáng nói là, đây là những giải pháp cần phải thực hiện ngay trong thời điểm này, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các nghị định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, về an sinh xã hội.
Theo ông Thiên, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, các quy định làm khó doanh nghiệp cũng là một giải pháp cấp bách. Nhưng để thực hiện được, các bộ, ngành phải thực sự vào cuộc.
Đây cũng là vấn đề mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị Việt Nam khi công bố Báo cáo Cập nhật triển vọng châu Á (2021) vào giữa tuần này.
Tác động của đợt Covid-19 lần thứ tư trên diện rộng ở Việt Nam đã khiến ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống mức 3,8% trong năm 2021 với nhiều thách thức đến từ việc đóng cửa các trung tâm công nghiệp lớn do giãn cách xã hội, từ tốc độ tiêm vắc-xin còn chậm, từ khả năng thiếu hụt lao động trong các tháng cuối năm… Hệ quả là, các doanh nghiệp dệt may, giày dép, điện tử, điện thoại di động… khó tận dụng hết cơ hội có được từ sự phục hồi của các thị trường nước ngoài chính của Việt Nam, như Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ…
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau cũng sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm và tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch này.
“Kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch. Đây cũng chính là giải pháp hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới của Việt Nam”, ông Cường phân tích.