Bất ngờ giá vàng
Tuần qua, thị trường vàng thế giới sôi sục khi Mỹ dội tên lửa vào Syria, đồng thời đưa tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên. Chiến sự nóng lên đã khiến giới đầu tư tăng cường trú ẩn vào vàng. Thế nhưng, khi giới đầu tư đang kỳ vọng, thì đầu tuần này, vàng thế giới lại quay đầu giảm giá, với nguyên nhân chính được cho là chiến sự khó có khả năng leo thang.
Diễn biến thị trường vàng thế giới cho thấy, yếu tố tâm lý vẫn đang bao trùm và chưa rõ xu hướng, song tính từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng giá khá mạnh. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhiều khả năng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong trong năm nay do tình hình địa chính trị thế giới có nhiều bất ổn.
Tỷ giá USD đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài . Trong ảnh: giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Đ.T |
Dù sóng vàng trên thị trường thế giới khá rõ nét trong quý I/2017, song giới chuyên gia cảnh báo, đầu tư vàng trong nước rất khó có cơ hội kiếm lời, do thị trường vàng trong nước hầu như không có sóng và không theo diễn biến giá vàng thế giới.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), từ đầu năm đến nay, trong khi giá vàng thế giới liên tục tăng, thì giá vàng trong nước gần như đứng im và chỉ tăng mạnh vào dịp sau Tết (ngày Thần Tài). Biến động của giá vàng trong nước chỉ quanh mức 2% trong khi của thế giới là 4%. Còn tính tới cuối tháng 3/2017, giá vàng trong nước chỉ tăng 0,25% so với cuối năm 2016, trong khi giá vàng thế giới tăng tới 7,5%.
“Chính vì giá vàng trong nước và thế giới diễn biến khác nhau, nên chênh lệch giá vàng giảm xuống còn 2,1 triệu đồng/lượng so với mức 5 triệu đồng/lượng vào cuối năm ngoái. Đây là đặc thù của thị trường vàng trong bối cảnh vẫn đang trong giai đoạn quá độ chuyển đổi và chúng ta chưa tìm ra mô hình mới để thoát khỏi mô hình kiểm soát thị trường như hiện nay”, TS. Thành nhận định.
Tỷ giá - nỗi lo hiện hữu
Trong khi thị trường vàng trong nước gần như “miễn nhiễm” với tác động thị trường thế giới, thì USD được cảnh báo là đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ hiện hữu đối với nền kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước rất ổn định. TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, trong quý I/2017, tỷ giá trong nước chỉ dao động với biên độ +/-3%, so với cuối năm 2016, chỉ tăng 0,5%. Đây là thành công của cơ chế điều hành tỷ giá mới.
Tuy vậy, áp lực tỷ giá đang lớn dần, khi đồng bạc xanh vẫn tiếp tục xu hướng đi lên trên thị trường thế giới, cùng với lộ trình tăng lãi suất khá chắc chắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự phục hồi tương đối bền vững của nền kinh tế Mỹ. Tính tới đầu tuần này, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tăng 7 phiên liên tiếp.
Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cảnh báo, những tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tỷ giá tương đối hợp lý, song sức ép tỷ giá vẫn đang lớn dần. “USD có khả năng mạnh lên khi Fed tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới. Nhiều nước sẽ hạ giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, nên sẽ tạo thêm sức ép với Việt Nam”, ông Tuyển nói.
Phân tích thêm vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, những năm gần đây, Malaysia đã phá giá nội tệ 20%, Indonesia phá giá nội tệ 18%, Trung Quốc phá giá nội tệ trên dưới 10%... Theo chuyên gia này, vì áp lực trả nợ công lớn, nên Việt Nam vẫn phải giữ tỷ giá, dẫn đến xuất khẩu gặp khó. Đơn cử, thủy sản đang chật vật cạnh tranh với các đối thủ từ Malaysia, Indonesia, mà “vua” tôm Minh Phú hay “vua” cá tra Hùng Vương là những trường hợp điển hình.
Việc xuất khẩu gặp khó là hệ quả của tác động tỷ giá, song về lâu dài, đây sẽ là nguyên nhân khiến tỷ giá bất ổn, nếu xuất khẩu “thất thu”.