Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Độc giả Nguyễn Như Dũng (tỉnh Thanh Hóa) đặt câu hỏi như sau: Đơn vị chúng tôi là chủ đầu tư (cơ quan Nhà nước) dự kiến áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp là chỉ định thầu thông thường đối với gói thầu xây lắp công trình có tổng mức đầu tư là 5 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp tư nhân tài trợ chiếm 80% (4 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương đối ứng là 20% (1 tỷ đồng).
Tôi xin hỏi, việc áp dụng như trên đúng hay sai?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điểm a, Khoản 1, Điều 1 Luật Đấu thầu quy định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:
- Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
- Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Đối với vấn đề của ông Dũng, trường hợp dự án của cơ quan quản lý Nhà nước có sử dụng vốn Nhà nước thì việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.
Theo đó, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu phải tuân thủ quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu và Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.