Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2019 và báo cáo về ngành Dược Việt Nam trong thời gian qua.
Trong danh sách 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín, vị trí dẫn đầu thuộc về Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Traphaco, Pymepharco, Domesco, Imexpharm, Trang thiết bị y tế Bình Định, Dược phẩm Hà Tây, Dược phẩm OPC, Sanofi Aventis Việt Nam và Hóa – Dược phẩm Mekopha.
Top 10 Công ty Dược uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát dược sỹ làm việc tại các hiệu thuốc, các chuyên gia trong ngành và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 11/2019 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2020.
Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế với vị trí dẫn đầu thuộc về Công ty cổ phần Dược phẩm Vimedimex. Tiếp đó là các Công ty cổ phần Dược liệu TW2, Công ty TNHH Dược phẩm Khương Duy, Công ty cổ phần Dược phẩm TW Codupha, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP, Công ty Dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội, Công ty TNHH B.Braun Việt Nam Công ty cổ phần Dược phẩm Việt Hà, Công ty cổ phần Dược – Thiết bị y tế Đà Nẵng, Công ty cổ phần Dược phẩm Eco.
Báo cáo của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, năm 2018, quy mô thị trường ngành Dược Việt Nam đạt giá trị 5,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước, điều này đã giúp Việt Nam trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành Dược cao nhất. Tuy ngành Dược trong nước đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tình hình sản xuất dược phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu.
Năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm của nước ta đạt 2.791 tỷ USD; tính đến 15/09/2019, kim ngạch nhập khẩu thuốc của Việt Nam là 2.144 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm khoảng 200 triệu USD.
Số liệu thống kê của Cục Quản lý Dược tính đến ngày 16/05/2019, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng, và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).
Về thị phần phân phối thuốc, hiện nay phân phối qua đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện (kênh ETC) đang chiếm khoảng 70% thị trường thuốc, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ (kênh OTC), trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc. Sự phát triển của kênh ETC là do: Thứ nhất, chính sách bảo hiểm y tế của Chính phủ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao dẫn đến việc chi tiêu thuốc cho khu vực này sẽ ngày càng chiếm chủ đạo trong tương lai; Thứ hai, khối bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần gia tăng thuốc trong khối điều trị; Thứ ba, nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao sẽ làm nhiều người đến bệnh viện hơn.
Lễ công bố chính thức Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2019 tổ chức vào ngày 9 tháng 1 năm 2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, TP. Hà Nội.