Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Độc giả Nguyễn Thị Phương Thảo (TP. Đà Nẵng) đặt câu hỏi như sau: Căn cứ quy định của Luật Đấu thầu thì đơn vị tôi có thể mua sắm trực tiếp theo kết quả đấu thầu rộng rãi trước đó (trong khoảng thời gian 12 tháng) không vượt quá 130% giá trị gói thầu đã thực hiện.
Tôi xin hỏi, cơ quan tôi có thể mua sắm trực tiếp từ kết quả đấu thầu rộng rãi của cơ quan khác không? Nếu được thì mỗi lần mua sắm (trong vòng 12 tháng) cơ quan tôi được mua không quá 130% gói thầu đã thực hiện của cơ quan khác hay tổng các lần mua không được vượt quá 130%?
Nếu nhiều lần mua và nhiều đơn vị áp dụng kết quả đấu thầu của 1 đơn vị để mua sắm trực tiếp thì mỗi đơn vị, mỗi lần không được vượt quá 130% hay tổng các lần và tổng các đơn vị không được vượt quá 130%?
Nếu tổng các đơn vị không được vượt quá 130% thì làm sao kiểm soát và biết được đơn vị khác đã mua bao nhiêu?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 1 Điều 24và Khoản 2 Luật Đấu thầu quy định mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác; mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;
- Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó;
- Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;
- Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
Đối với trường hợp của bà Thảo, nếu gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì việc mua sắm trực tiếp phải tuân thủ quy định nêu trên, quy trình mua sắm trực tiếp thực hiện theo Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, trong mọi trường hợp, phải bảo đảm việc áp dụng mua sắm trực tiếp được thực hiện trên cơ sở gói thầu trước đó đã được tổ chức đấu thầu một cách cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu là thuộc hành vi bị cấm nêu tại Điểm k, Khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu.