Bị cáo Nguyễn Minh Tú và 99 đồng phạm bị đưa ra xét xử trong giai đoạn I của vụ án |
170 giám đốc, kế toán vướng vòng lao lý
Theo lịch làm việc, từ đầu tuần này, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 171 bị cáo trong vụ án “mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hội đồng Xét xử do Thẩm phán Nguyễn Quang Vũ làm Chủ tọa phiên tòa; đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ có 2 kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Đây là giai đoạn II của vụ án “mua bán trái phép hóa đơn”, liên quan trùm đường dây là Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1992, ở quận Thủ Đức, TP.HCM), đã được Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá năm 2022.
Trong vụ án này, ngoài bị cáo Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1988, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), có 9 bị cáo là lãnh đạo doanh nghiệp có hành vi trốn thuế và 161 bị cáo là giám đốc, kế toán các doanh nghiệp có hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Tại giai đoạn I của vụ án này, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đưa ra xét xử đối với 100 bị cáo, gồm Nguyễn Minh Tú, Võ Tấn Lộc, 8 đối tượng trung gian (F1, F2) và 90 cá nhân là giám đốc, kế toán của 90 doanh nghiệp; tuyên mức án 7 năm tù về tội “mua bán trái phép hóa đơn” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với bị cáo Tú.
Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng quy định đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng doanh nghiệp được phép thực hiện qua mạng, trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1992, trú tại phường Tam Phú, Thủ Đức, TP.HCM) đã thông qua Nguyễn Thị Huế và 2 cá nhân là Kiên và Vân (không xác định được danh tính) để mua 646 doanh nghiệp.
Trong số này, Tú thông qua Huế mua 303 doanh nghiệp, với chi phí 50 - 60 triệu đồng/doanh nghiệp (gồm các chi phí chuyển nhượng, sang tên, đặt biển, hóa đơn điện tử, làm con dấu mới...). Tổng số tiền Tú đã trả cho Huế để thực hiện việc “mua” doanh nghiệp này là hơn 31 tỷ đồng.
Quá trình phạm tội, thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo và các hội nhóm trên mạng Internet, Tú thiết lập mạng lưới 73 đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn cả nước, nhằm hưởng lợi bất chính. Số tiền ghi trên hóa đơn được xác định tới hơn 64.000 tỷ đồng.
Để che giấu việc mua bán hóa đơn trái phép, Tú tiếp tục thuê Nguyễn Thị Huế với giá từ 1 đến 2 triệu đồng để Huế “tự kê”, “khai khống” doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); khai giảm doanh số hóa đơn bán ra của các công ty bán hóa đơn trên Tờ khai thuế điện tử tại các kỳ quyết toán thuế.
Thông qua nhiều đối tượng trung gian
Liên quan đường dây mua bán trái phép hóa đơn trên, cơ quan tố tụng xác định, trong năm 2021 và 2022, Nguyễn Minh Tú đã thông qua một số đối tượng trung gian (F1) để thực hiện các hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Cụ thể, bị cáo Ngô Thị Lệ Thu (sinh năm 1984, trú tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) đã bán 2.062 hóa đơn giá trị gia tăng cho 228 đơn vị, với tổng doanh số hơn 108 tỷ đồng, trong đó tiền hàng là hơn 98 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, Thu được hưởng 3% doanh số tiền hàng chưa bao gồm thuế, tương đương gần 3 tỷ đồng. Trong số tiền này, Thu chuyển cho Tú 1% (gần 1 tỷ đồng), hưởng lợi gần 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các công ty mua bán hóa đơn mới trả cho Thu hơn 240 triệu đồng, nên Ngô Thị Lệ Thu bị cáo buộc hưởng lợi trái phép số tiền trên.
Bên cạnh đó, bị cáo Phan Văn Tân (sinh năm 1991, trú tại xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) được xác định đã bán tổng số 1.504 hóa đơn, với tổng doanh số hơn 87 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi bất chính gần 374 triệu đồng.
Một bị cáo nữa là Huỳnh Nguyễn Gia Huy (sinh năm 1995, trú tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã liên hệ với cá nhân tên Duy để mua 61 hóa đơn khống của 8 công ty do Nguyễn Minh Tú thành lập, sau đó bán cho Nguyễn Văn Hòa (người trực tiếp quản lý và điều hành Công ty Khải Hưng).
Huy trả cho Duy số tiền mua bán hóa đơn là 2,8% tiền hàng và Hòa thanh toán tiền mua hóa đơn 3% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa có thuế GTGT.
Huỳnh Nguyễn Gia Huy còn bán 18 hóa đơn GTGT khống cho Công ty TNHH Sarens Việt Nam, với doanh số 118 triệu đồng, tiền thuế là hơn 9 triệu đồng.
Tổng cộng, Huy đã bán 79 hóa đơn của Nguyễn Minh Tú cho nhiều doanh nghiệp, với tổng doanh số hơn 24 tỷ đồng, hưởng lợi 46 triệu đồng.
Ngoài ra, Phạm Văn Chung, Giám đốc Công ty Trung Cường Phát; Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty Dasuka; Lê Gia Huy, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát; Bùi Quốc Tâm, Giám đốc Công ty Lê Anh; Nguyễn Tín Trung, Giám đốc Công ty Tân Nhất Trung; Trần Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Cẩm Tú Tiến… cũng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn lên tới hàng trăm tỷ đồng, qua đó trốn thuế hàng chục tỷ đồng.