Đối với các nội dung liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành đã có Đường dây nóng: cán bộ trực Đường dây nóng của Bộ Công thương sẽ chuyển tới cơ quan, tổ chức, cá nhân số điện thoại Đường dây nóng của các Bộ, ngành liên quan và đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp liên hệ để được xử lý thông tin hoặc hướng dẫn, trả lời cụ thể.
Đối với các nội dung liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương và các Bộ, ngành không có Đường dây nóng: cán bộ trực Đường dây nóng sẽ ghi, nhận nội dung thông tin và chuyển cho các đơn vị thuộc Bộ Công Thuơng hoặc thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan.
Việc xử lý thông tin hoặc hướng dẫn, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện thông qua điện thoại và/hoặc đường thư điện tử; kết quả xử lý thông tin của Đường dây nóng được tổng hợp, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương qua địa chỉ www.moit.gov.vn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng năm nay ước đạt 284,64 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 144,08 tỷ USD, giá trị nhập khẩu là 140,56 tỷ USD.
Trong 10 tháng năm nay, thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu gần 3,52 tỷ USD.
Trước đó, trong báo cáo được Chính phủ trình bầy trước Quốc hội có nhắc tới thực tế, xuất khẩu 9 tháng chỉ tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 9,1%), dự báo cả năm xấp xỉ đạt kế hoạch; trong đó xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp, chỉ đạt 8,5% (cùng kỳ 18,6%); xuất khẩu vào khu vực ASEAN giảm 9,1%. Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp; mới giải quyết được bước đầu tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.