Doanh nghiệp
Đường đến Mỹ của Dh Foods
Anh Hoa - 27/02/2022 14:26
Miếng bánh thị trường thực phẩm lên tới 40 tỷ USD tại Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho công ty gia vị Việt Nam như Dh Foods.
Sản xuất gia vị tại Dh Foods.     Ảnh: Lê Toàn

Đường lớn không dễ đi

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Công ty Heritage Beverage (HB) sang Mỹ từ khi còn khá nhỏ và bị ảnh hưởng bởi mùi vị thực phẩm Mỹ như Hamburger, Hot Dog, Pizza... Dù trong nhà có mẹ ông thường xuyên nấu các món ăn Việt, nhưng hầu hết vẫn bị Tây hóa. Năm 2003, ông trở về Việt Nam và 2 năm sau ông quyết định ở lại định cư với công việc tại Quỹ Vina Capital. Lúc đó ông mới thực sự biết thực phẩm Việt Nam rất đa dạng.

Với thâm niên trong ngành đầu tư tài chính, huy động vốn, Louis Nguyễn không rành về hệ thống phân phối và bán hàng Việt Nam tại Mỹ. Chỉ sau khi Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) của ông mua lại Heritage Beverage vào năm 2005, phân phối chủ yếu Bia Sài Gòn tại thị trường Mỹ, ông mới học hỏi những gì liên quan tới phân phối hàng tiêu dùng.

Theo ông, giá trị thị trường thực phẩm châu Á tại Mỹ ước tính lên tới 40 tỷ USD. Với khoảng 3 triệu người gốc Việt, 30 triệu người gốc Á, thì Mỹ rõ ràng là thị trường lớn. Con số đó khiến ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Dh Foods cho rằng, có làm cả đời cũng không đủ gia vị để cung cấp cho thị trường lớn đó.

Thực tế ai đến Mỹ cũng có thể thấy, trên 80% siêu thị tại đây đều có quầy thực phẩm châu Á. Điều này mở ra cơ hội cho các sản phẩm của Dh Foods như sốt chấm, nước mắm...

Chưa kể, gia vị Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng, ngay cả những thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... cũng sử dụng các loại muối chấm của Việt Nam, hay các loại gia vị nấu, gia vị phở.

Với thương vụ bắt tay này, cả Louis Nguyễn và ông Nguyễn Trung Dũng đều kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ mở ra một tương lai mới cho Dh Foods cũng như ngành gia vị Việt Nam để phát triển. Nguyên liệu Việt Nam có rất nhiều, nhưng mong muốn làm sao có thể xuất khẩu được những gia vị hoàn chỉnh. 

Dự kiến từ quý III/2022, lô hàng đầu tiên chính thức của Dh Foods có mặt tại thị trường Mỹ. Năm nay số lượng container có thể còn ít (dưới 10 container), nhưng các năm tiếp theo sẽ cao hơn.

Con số khiêm tốn nói trên không làm ông Dũng buồn, bởi ông hiểu mọi vấn đề ban đầu cần tiếp cận từ từ. Trước đó, để đi Nhật được với những lô hàng nhỏ đầu tiên, Dh Foods cũng phải mất 2 năm trao đổi, thỏa thuận. Hiện mỗi năm Dh Foods chỉ mới xuất khẩu được khoảng 50 container.

“Chúng tôi không kỳ vọng doanh số phải bao nhiêu trong năm nay, mà kỳ vọng sản phẩm của DH Foods bắt đầu có mặt trên kệ siêu thị tại Mỹ mà HB đang cung cấp sản phẩm Việt Nam như Whole Foods, Costco, Cost Plus, Safeway, Albertson’s, Kroger, Trader Joe’s và 99 Ranch, cùng với rất nhiều nhà hàng Việt Nam tại Mỹ”, ông Dũng chia sẻ.

Hiện tỷ lệ doanh số xuất khẩu so với nội địa các sản phẩm Dh Foods chỉ khoảng 10%. Ông Dũng hy vọng trong trong 3-5 năm tới sẽ tăng lên 30-50% tổng doanh số. Trong năm nay, Dh Foods dự định tung ra 30-40 sản phẩm gia vị mới.

Cạnh tranh về chất lượng, bao bì

Theo ông Louis Nguyễn, thách thức hàng Việt Nam qua Mỹ có những vấn đề về chất lượng, cạnh tranh. Với những sản phẩm có thương hiệu chưa được phổ biến rộng rãi, thì xuất khẩu từ Việt Nam qua Mỹ theo hai hướng: một là OEM - Private Label, bán sản phẩm dưới bao bì của thương hiệu khác; hai là họ sẽ phát triển với thương hiệu của họ, như cách của Dh Foods.

Các món ăn Việt Nam đã trở nên phổ biến trên thế giới, thì chắc chắn gia vị Việt sẽ dần dần phổ biến hơn, người tiêu dùng các nước quan tâm hơn.

Hàng hóa Việt Nam qua Mỹ sẽ phải cạnh tranh về chất lượng, bao bì. Nếu Dh Foods tập trung vào các sản phẩm chất lượng, bao bì tốt, dễ truy xuất nguồn gốc, sản phẩm tự nhiên, không hóa chất, bền vững với môi trường thì sẽ thành công. Đây là hướng đi chiến lược khác biệt của HB nhằm cạnh tranh với các sản phẩm như nước mắm Thái Lan, sản phẩm của Trung Quốc... tại thị trường Mỹ.

Ông Louis Nguyễn tiết lộ về chiến lược phân phối gia vị Dh Foods tại Mỹ. Đầu tiên sẽ bán tại một số thành phố tập trung đông người Việt như tại tiểu bang Cali. Sau đó sẽ là những thành phố lớn tập trung hàng Việt Nam và người Việt Nam như San Jose, Dallas (Texas), Virginia, Seattle. Mặc  dù rất thách thức, nhưng HB vẫn bắt đầu bán tại những nơi có nhiều người Việt nhất, mở rộng ra các siêu thị châu Á. Chẳng hạn, doanh nghiệp “Phở Hà Nội” ở thung lũng Sillicon, với lượng bán 1.000 bát phở/ngày.

Ngoài ra, HB sẽ tiếp cận những casino, nơi người Việt ghé thăm rất nhiều. Tại đây sẽ bán các gói quà Việt (trà, cà phê, hay sản phẩm của Dh Foods) vì những món quà này chiếm cảm tình lớn với đối tượng khách hàng này. Sau cùng là mở rộng đến thị trường người Mỹ da trắng yêu chuộng đồ ăn Việt Nam. Hiện nay, các món ăn như phở, cà phê sữa đá, bánh mỳ rất nổi tiếng tại Mỹ.

“Hàng Việt Nam bán tại Mỹ vẫn thường qua quen biết, khu người Hoa thì chỉ bán đồ Hoa, người Việt bán cho người Việt... Tuy nhiên, HB sẽ đi qua hệ thống Mỹ, giấy phép rõ ràng, thuế rõ ràng. Dựa vào hệ thống đó, chúng tôi sẽ phát triển sản phẩm Dh Foods và các sản phẩm Việt khác”, ông Louis Nguyễn cho hay.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, các món ăn Việt Nam đã trở thành phổ biến trên thế giới, thì chắc chắn gia vị sẽ dần dần phổ biến hơn, người tiêu dùng quan tâm hơn. Nấu ăn bằng cái gì và bằng cách nào, đó là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp ngành ẩm thực Việt Nam, cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Về phần mình, Dh Foods đang chứng tỏ là công ty “nhỏ mà có võ”, thậm chí ông Dũng khẳng định, các ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng sẽ khó bắt chước điều này.

“Công ty tôi vẫn tăng trưởng tốt mỗi năm, không cần thay đổi cách kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi phải cải tiến sản phẩm tốt nhất có thể, liên tục tung ra sản phẩm mới chiều theo khẩu vị người tiêu dùng, nhanh nhạy trong thiết kế, mở rộng các kênh bán hàng mới như xuất khẩu, thương mại điện tử”, ông Dũng chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác